2011 - một năm thời tiết cực đoan gây nhiều thiệt hại lớn

23:16:0, 05/01/2012 Còn quá sớm để nói rằng thời tiết năm 2012 sẽ tốt hơn, khi mà các hãng bảo hiểm và các cơ quan dự báo thời tiết đều khẳng định một xu hướng rõ ràng là thời tiết trên toàn cầu đang trở nên cực đoan hơn và gây thiệt hại lớn hơn.

Nhìn lại năm qua có thể thấy 2011 là một năm kỷ lục về thời tiết xấu, từ các trận lũ lụt khiến nhiều nước tê liệt, những cơn bão, bão tuyết, lốc xoáy chết người đến những đợt hạn hán nặng nề đẩy nhiều người, nhiều khu vực lâm vào nạn đói.

Công ty Tái bảo hiểm toàn cầu Munich Re cho biết, thiệt hại do các thảm họa tự nhiên gây ra trong 9 tháng đầu năm 2011 lên tới mức kỷ lục 310 tỷ USD, trong đó 80% thiệt hại kinh tế xảy ra trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Cơ quan Quốc gia về Đại dương và Khí quyển Mỹ, từ năm 1980, thiên tai liên quan đến thời tiết trên toàn cầu đã tăng hơn ba lần. Riêng Mỹ, trong năm 2011 đã chịu một kỷ lục mới với 12 thảm họa thời tiết gây thiệt hại khoảng 52 tỷ USD.    

Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, nhiệt độ toàn cầu trong năm 2011 là cao thứ 10 và 13 năm nóng nhất đã xảy ra trong 15 năm qua kể từ năm 1997. Diện tích băng ở biển Bắc Cực trong năm 2011 là thấp thứ hai song thể tích của nó là thấp nhất. Các nhà khoa học nói rằng, bầu không khí nóng lên và độ ẩm cao hơn trong không khí đã "cung cấp nhiên liệu" cho các hệ thống thời tiết, dẫn đến tình trạng cực đoan hơn. Mức tăng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính từ giao thông vận tải, công nghiệp và nạn phá rừng đang bổ sung thêm cho sự nóng lên này. 

Trong tháng Giêng, lụt lớn đã xẩy ra ở khu vực bờ biển phía Đông của Australia, làm 35 người chết, các mỏ than phải đóng cửa, các đường giao thông và hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy với số tiền bảo hiểm phải chi trên 2 tỷ USD. Cũng trong tháng, "Snowmageddon" tuyết rơi dầy bao phủ phần lớn nước Mỹ, với lượng tuyết rơi kỷ lục ở New York.

Trong tháng Hai, Cyclone Yasi, một trong những cơn bão lớn nhất và mạnh nhất từ trước đến nay đã tàn phá Australia, tấn công bang miền Bắc Queensland, làm thất thu vụ thu hoạch mía đường và chuối.Tại Mỹ, một cơn bão mùa đông lớn đã xẩy ra tại khu vực Trung Tây và Đông Bắc, gây ra sự hỗn loạn về giao thông và mất điện.

Trong tháng Năm, một trận lốc xoáy giáng xuống thị trấn Joplin của Mỹ , làm chết khoảng 160 người - một thiệt hại bi thảm nhất do lốc xoáy gây ra kể từ năm 1947. Rồi lũ lụt ở miền Trung Tây nước Mỹ và thung lũng sông Mississippi làm ngập nước hàng triệu mẫu ngô và đậu nành.

Trong tháng Sáu, lũ lụt lớn xẩy ra ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Trung Quốc, làm trên 100 người bị chết và hơn nửa triệu người phải đi sơ tán. 

Trong tháng Bảy, hạn hán tồi tệ nhất trong thập kỷ qua xảy ra ở vùng Sừng châu Phi, gây ra nạn đói ở Somalia và khiến 13 triệu người có nguy cơ thiếu đói trong một cuộc khủng hoảng dự kiến kéo dài sang cả năm 2012.

Lũ lụt giữa tháng Bảy và cuối tháng Mười Một ở Thái Lan khiến hơn 600 người bị chết, ảnh hưởng đến 1/3 diện tích đất nước, gây thiệt hại ít nhất 42 tỷ USD và gần 1.000 nhà máy quanh Bangkok bị ngập, làm gián đoạn dây chuyền cung cấp thiết bị ô tô và điện tử toàn cầu.

Trong tháng Tám, cơn bão Irene đã làm chết ít nhất 40 người ở miền đông nước Mỹ và gây ra lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở một số bang. Thiệt hại kinh tế ước tính 10 tỷ USD.

Trong tháng Chín, lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 2000 đã xẩy ra dọc theo sông Mêkông khiến nhiều người bị chết. 

Trong tháng Mười, một cơn bão tuyết đã xấy ra sớm ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ khiến 1,6 triệu người không có điện sử dụng.Trong tháng này, cơn bão nhiệt đới Washi đã hoành hành ở đảo Mindanao, Philippine gây ra lũ quét, lở đất và giết chết hơn 1.200 người. 

Trong khi đó hạn hán kéo dài một năm ở bang Texas, Mỹ gây thiệt hại trên 5 tỷ USD cho nông nghiệp và thiêu trụi 1,6 triệu ha rừng. 

Hiện tượng La Nina ở Thái Bình Dương - dự kiến sẽ kéo dài sang cả năm 2012, làm mát nước ở trung tâm Thái Bình Dương và có một tác động toàn cầu về thời tiết. Các nhà dự báo thời tiết hy vọng nó sẽ mang lại lượng mưa trên mức trung bình cho khu vực phía Bắc và phía Đông Australia, song cũng sẽ gây lốc xoáy nhiều hơn bình thường trong mùa bão tháng Mười - tháng Tư ở nước này.

La Nina cũng có xu hướng tăng cường mùa bão Đại Tây Dương. Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học bang Colorado hy vọng, 2012 sẽ chỉ là một mùa bão trên mức trung bình nếu các điều kiện mang lại nhiệt độ nước nhiệt đới ấm hơn bình thường và không xẩy ra El Nino lớn.

Về chuyên mục

Về đầu trang