2011 - Năm kỷ lục về tổn thất do các thảm họa tự nhiên

0:18:0, 02/01/2012 Theo các đánh giá mới nhất vừa được Tập đoàn Tái bảo hiểm và Bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) công bố, các thiệt hại về kinh tế bắt nguồn từ thảm họa tự nhiên trong năm 2011 đã lên tới con số 350 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.

Theo các đánh giá mới nhất vừa được Tập đoàn Tái bảo hiểm và Bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) công bố, các thiệt hại về kinh tế bắt nguồn từ thảm họa tự nhiên trong năm 2011 đã lên tới con số 350 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.

 

         Thảm họa tự nhiên gây tổn thất không nhỏ đối với đời sống con người (Ảnh: AFP)

Swiss Re tạm ước tính, tổng số tiền bồi thường có liên quan tới các thảm họa tự nhiên và kỹ thuật trên thế giới đã ở mức 108 tỷ USD trong năm 2011, cao gấp hai lần so với con số ghi nhận trong năm 2010 (48 tỷ USD). Trong đó, tiền bồi thường cho các tổn thất do thảm họa tự nhiên tăng lên tới 103 tỷ trong năm 2011, cao hơn nhiều so với con số 43 tỷ USD thống kê năm trước.

Năm 2011 cũng là một năm gánh chịu tổn thất về kinh tế lớn nhất chưa từng có. Swiss Re đánh giá con số thiệt hại lên tới 350 tỷ USD (được bảo hiểm và không được bảo hiểm), cao hơn so với con số 226 tỷ USD trong năm 2010. Trong đó, thảm họa động đất tại Nhật Bản chiếm một phần rất lớn trong năm tổn thất kỷ lục này.

Theo ông Kurt Karl, kinh tế trưởng của Swiss Re, “2011 là một năm có nhiều trận động đất mạnh và gây nhiều tổn thất nhất. Đáng buồn là, việc bảo hiểm động đất vẫn còn hạn chế, ngay cả tại các nước công nghiệp phát triển có nguy cơ xảy ra động đất cao như Nhật Bản. Vì vậy, ngoài tiền bồi thường cho những người bị mất đi người thân, các hãng bảo hiểm phải đối mặt với các thiệt hại về tài chính khổng lồ khi phải hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức cứu trợ, các chính phủ hay các cá nhân có đóng góp khác”.

Với khoảng 108 tỷ USD tiền bảo hiểm cho các thảm họa, 2011 gần như là một năm tổn thất nhất đối với lĩnh vực bảo hiểm, chỉ sau năm 2005 (123 tỷ). Theo Swiss Re, “năm 2011, ổn thất do các cơn bão đã ở mức hạn chế hơn so với năm 2005, năm xảy ra hàng loạt cơn bão lớn như Katrina, Wilma và Rita vốn gây ra tổn thất tới hơn 100 tỷ USD”.

Bên cạnh đó, nếu Nhật Bản cũng tham gia bảo hiểm nhiều hơn như các quốc gia khác có nguy cơ động đất cao như Niu Dilan thì chi phí bảo hiểm sẽ còn tăng cao hơn rất nhiều. Ngòai ra, còn phải kể tới các thiệt hại từ những thảm họa tự nhiên khác như trận lũ lụt ở Thái Lan hay khả năng xảy ra bão vào mùa đông tại châu Âu,… Tất cả những hiện tượng tự nhiên khắc nghiệt này đều đã làm cho năm 2011 trở thành năm thiệt hại lớn thứ hai đối với lĩnh vực bảo hiểm và có thể sẽ làm trầm trọng thêm bảng tổng kết thiệt hại tạm thời này. Mặt khác, hai trận lốc xoáy khốc liệt tại Mỹ cũng đã làm thiệt hại thêm gần 14 tỷ USD.

Tháng 5 vừa qua, Liên hợp quốc đã công bố báo cáo nhân Hội nghị Liên hợp quốc về giảm thiểu nguy cơ thảm họa, trong đó không chỉ nhấn mạnh tới tổn thất về mặt kinh tế do các thảm họa tự nhiên này gây ra mà đây còn là mối đe dọa đối với quá trình phát triển của nhiều quốc gia. Các tổn thất từ các thảm họa tự nhiên có thể làm giảm sự giàu có của thế giới xuống ít nhất 1.500 tỷ USD. Các chuyên gia giải thích rằng con số này ngày càng tăng do “các thảm họa tự nhiên ngày càng xảy ra nhiều hơn và hiệu ứng của nó cũng trầm trọng hơn khi tác động vào một xã hội ngày càng đông dân số”.

Các tổn thất về kinh tế có liên quan tới lũ lụt cũng tăng lên 160% trong vòng 30 năm, trong khi các khu vực bị lụt lội ngày càng đông dân (+114%). Nguy cơ bão lốc cũng tăng 262% kể từ năm 1980 trong các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Bên cạnh đó, báo cáo của Liên hợp quốc cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra hạn hán, các hệ quả của nó đối với nông nghiệp là rất lớn và khó đánh giá. Ông Andrew Maskrey, tác giả của báo cáo nêu rõ: “Nguy cơ thiệt hại có liên quan tới các thảm họa tăng lên rất nhanh so với tốc độ tạo ra sự giàu có của thế giới”, các thiệt hại do thảm họa thường lớn hơn rát nhiều so với các thiệt hại do lạm phát hay xung đột vũ trang.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã một lần nữa nhắc lại rằng: “Không một quốc gia nào có thể chống lại các thảm họa tự nhiên mà trái lại, hệ quả của nó để lại ngày càng trở nên trầm trọng hơn”. Tháng 11 vừa qua, khi vòng đàm phán quốc tế về khí hậu chuẩn bị được mở ra tại Durban (Nam Phi), nhóm chuyên gia về biến đổi khí hậu cũng đã công bố báo cáo khẳng định viễn cảnh tồi tệ: nhiệt độ ngày càng tăng cao, hạn hán và lũ lụt, bão và lốc xảy ra nhiều hơn,…Tuy nhiên, đối mặt với vấn đề nghiêm trọng đó, chính sách quốc tế đấu tranh chống biến đổi khí hậu lại vẫn còn hạn chế, các khoản đầu tư dự phòng thảm họa còn ít được triển khai… Biến đổi khí hậu đã hiển hiện rõ ràng và minh chứng qua từng con số thiệt hại. Hơn lúc nào hết, thế giới cần xác định tốt hướng đi cho mình để hạn chế đến mức thấp nhất các tổn thất có thể gặp phải và từng bước thích ứng với sự nóng lên toàn cầu./.

Về chuyên mục

Về đầu trang