ADB khuyến cáo châu Á-Thái Bình Dương cần ưu tiên đầu tư Quản lý rủi ro thiên tai đô thị

21:33:0, 06/05/2012 Ngày 2/5, sau khi kết thúc cuộc họp thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần thứ 45, ADB đã ra thông cáo báo chí khuyến cáo các nước châu Á-Thái Bình Dương cần dành ưu tiên, tăng cường đầu tư cho quản lý rủi ro thiên tai đô thị.
 
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). (Nguồn: Internet)
ADB cũng dự báo đến năm 2050 có khoảng 2/3 dân số châu Á sẽ sống ở các thành phố, trong khi nhiều thành phố lớn ở khu vực này đang nằm trong diện dễ bị lũ lụt, bão nhiệt đới, nước biển dâng, động đất và sóng thần. Theo tính toán của ADB, thiệt hại trung bình hàng năm do thiên tai gây ra cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương khoảng 53,8 tỷ USD, và việc chuyển trọng tâm từ phục hồi và tái thiết sau thiên tai sang đầu tư phòng ngừa, bảo vệ, thích ứng và giảm thiểu rủi ro trước thiên tai sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại.
 
Ông Vinô Thomát (Vinod Thomas), một lãnh đạo ADB, cho rằng quản lý rủi ro thiên tai là một đầu tư cần thiết để bảo vệ cuộc sống người dân, tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu thúc đẩy phát triển bền vững. Chính phủ các nước châu Á cần chú trọng đúng mức đầu tư cho lĩnh vực này, vì theo tính toán của các nhà kinh tế, cứ 1 USD đầu tư cho lĩnh vực này sẽ giúp giảm được 7 USD thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra.
 
Trước đó, tại Hội thảo về phát triển và bảo vệ đô thị trước những tác động của biến đổi khí hậu do ADB phối hợp với Ngân hàng toàn cầu của tập đoàn tài chính Citi tổ chức tại Manila (Philíppin) đã tập trung thảo luận các bài học kinh nghiệm rút ra từ các thảm họa thiên tai gần đây, trong đó có trận động đất - sóng thần tại Nhật Bản năm 2011. Các chuyên gia cho rằng xây dựng khả năng phục hồi là một chiến lược toàn cầu quan trọng giúp giảm thiểu các tác động của thảm họa tự nhiên. Chính phủ các nước châu Á có thể kết hợp chính sách giảm thiểu rủi ro đô thị vào chiến lược phát triển quốc gia bằng cách khuyến khích phát triển, chẳng hạn như sử dụng cơ chế thị trường để sắp xếp tốt hơn các hành động giảm thiểu rủi ro, hay khuyến khích đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này thông qua chính sách tín dụng, thuế.../
 

Về chuyên mục

Về đầu trang