Bão Haiyan: Bài học từ ứng phó và cách chuẩn bị sẵn sàng trong tương lai

20:55:4, 28/10/2020 Bão Haiyan (tên địa phương là Yolanda) đổ bộ vào Philippines vào ngày 8 tháng 11 năm 2013. Chúng tôi viết bài báo này sau hơn 1 năm sau trận bão để phản ánh những gì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cơ quan đồng chỉ trì điều phối các nỗ lực y tế cùng với Bộ Y tế Philippines – đã rút ra được từ những bài học trong và sau bão, và những bài học kinh nghiệm này đã ảnh hưởng đến công tác ứng phó về sau như thế nào và đặc biệt là công tác ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai.

Ứng phó với đa thiên tai

Bài học đầu tiên là các cơ quan quốc gia và cộng đồng quốc tế cần sẵn sàng ứng phó với tình trạng đa thiên tai xảy ra hàng năm ở Philippines. Đất nước này là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Bão Haiyan là sự cố nghiêm trọng thứ 3 tấn công đất nước này trong vòng hai tháng, trước đó là trận xung đột ở Zamboanga và động đất ở Bohol, khiến 750.000 người phải di tản. Điều này có nghĩa là các hoạt động ứng phó của các cơ quan quốc gia và quốc tế và quân đội Philippines đã được huy động trong 1 thời gian khá dài.

WHO Philippines đã và đang làm việc với Sở Y Tế để thành lập các Trung tâm Điều hành Khẩn cấp tại các khu vực dễ bị tổn thương của đất nước, và thiết lập một hệ thống chỉ huy vàng, bạc và đồng để chỉ đạo các ứng phó thiên tai. Cơ quan này cũng đã dự trữ và xác định nơi dự trữ các vật tư và thiết bị y tế để đề phòng các thiên tai có thể xảy đến, đồng thời phối hợp với Sở Y tế xây dựng các bộ công cụ để sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp. Các bộ công cụ này sẽ cung cấp các hướng dẫn về quy trình và hành động nhằm đảm bảo ứng phó nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp. Cả chính quyền địa phương và quốc gia đều đang nỗ lực để đảm bảo rằng các công trình y tế có khả năng chống chịu với thiên tai.



Bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến. Hơn 600 cơ sở y tế đã bị hư hại hoặc hủy hoại hoàn toàn do bão Haiyan. Ảnh: F. Guerrero / WHO

Chuẩn bị phòng ngừa tốt

Bài học thứ hai, trong bất kỳ công tác ứng phó khẩn cấp nào, các cơ quan viện trợ cần phải chuẩn bị cho tình huống sẽ xảy ra trên thực tế. Các đội y tế nước ngoài cần mang đủ thức ăn, nước uống, chỗ ở, nhiên liệu và thiết bị thông tin liên lạc để có thể tự túc được, đặc biệt là ở những khu vực bị chia cắt và nơi thông tin liên lạc kém hoặc bị cắt đứt. Họ cũng cần tính đến việc lập kế hoạch nguồn cung y tế đẩy đủ trước khi bão đổ bộ và tính toán năng lực để ứng phó với các ưu tiên y tế và khắc phục thiệt hại thực tế ở Philippines. Một số đội y tế đã sẵn sàng cứu chữa những người bị thương nhưng lại chưa tính đến nhu cầu dịch vụ ngay lập tức của các bà mẹ mang thai hoặc nhu cầu thay thế thuốc hàng ngày. Đất nước có ba gánh nặng về bệnh tật: các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm cộng thêm tác động của thiên tai đối với dịch vụ y tế vốn đã quá căng thẳng. Philippines cũng có tỷ lệ sinh cao nhất ở châu Á: đối với một số đội quân y đã quen với việc điều trị thương tật, thật bất ngờ khi thấy họ cũng phải học lại kỹ năng đỡ đẻ. Một số đội cần cung cấp thuốc bổ sung từ WHO Philippines để điều trị bệnh tim mãn tính và tăng huyết áp.

Để huy động hiệu quả các nhân viên y tế, cơ sở vật chất và thuốc men do các đội y tế nước ngoài mang đến, điều cần thiết là phải hệ thống hóa quy trình triển khai của họ. WHO Philippines đã thiết lập một hệ thống đăng ký và báo cáo để đảm bảo các đội nước ngoài được chuẩn bị trước khi họ được triển khai đến các khu vực cần hỗ trợ. WHO đã giúp Sở Y tế điều phối hơn 150 đội y tế nước ngoài trong quá trình ứng phó. Họ đã tổ chức hơn 193.000 cuộc tư vấn y tế, thực hiện hơn 5.000 ca phẫu thuật và hỗ trợ hơn 1.200 ca sinh nở.

Đánh giá và dự đoán nhu cầu

Bài học thứ ba liên quan đến dự đoán nhu cầu trong các giai đoạn khác nhau của quá trình ứng phó. Trong giai đoạn đầu tiên, trong các ngày đầu và tuần đầu chủ yếu là tập trung vào việc cứu chữa người bị thương, cung cấp thiết bị cho người khuyết tật mới và chăm sóc phụ nữ mang thai. Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát thông qua việc nối lại các hoạt động giám sát để theo dõi các đợt bùng phát bệnh dịch tiềm ẩn và một chiến dịch tiêm chủng trên toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng để bảo vệ trẻ em chống lại bệnh sởi, rubella và bại liệt.

Hoạt động này được điều phối bởi Chính phủ quốc gia, nhưng các cơ quan của Liên hợp quốc và các đội y tế nước ngoài đã cung cấp các hỗ trợ quan trọng để giám sát dịch bệnh và thường tham gia thực hiện các chiến dịch tiêm chủng. Bệnh sởi đang hoành hành liên tục ở Philippines, và sau thiên tai, trẻ em thường phải sống trong điều kiện chen chúc, khiến căn bệnh dễ bị biến chứng và thậm chí gây tử vong. Ngoài điều kiện sống kém, những cuộc di cư quy mô lớn sau thiên tai thảm khốc cũng có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêm chủng.

Trong đợt tiêm chủng đầu tiên được tiến hành ở khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, gần 110.000 trẻ em đã được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, và một chiến dịch tiếp theo mở rộng tại Thủ đô từ tháng 1 - 2 năm 2014 và đã có thêm 1,7 triệu trẻ em được tiêm chủng. Ngoài ra, cần điều trị tiếp tục những bệnh nhân lao và lao đa kháng thuốc (MDR-TB) nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh và gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khu vực bị ảnh hưởng bởi bão ước tính có 26.249 trường hợp mắc bệnh lao với 356 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc. Đến giữa tháng 12, hầu như tất cả bệnh nhân lao đã quay trở lại điều trị. Cũng cần phải ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, vì bệnh này lây lan nhanh chóng ở những nơi muỗi có thể sinh sản trong đống đổ nát hay rác thải.

Những thảm họa thiên tai như bão Haiyan đã làm gia tăng mối đe dọa từ các bệnh không lây nhiễm vì chúng làm gián đoạn việc tiếp cận và cung cấp các can thiệp y tế thiết yếu, bao gồm cả thuốc men. Điều này kích hoạt đợt hành động y tế thứ ba. Bệnh không lây nhiễm là một trong bệnh gây tử vong hàng đầu ở Philippines, chiếm hơn 70% số ca tử vong được ghi nhận ở nước này hàng năm. Trong vòng vài tuần sau cơn bão, số lượng bệnh nhân cần điều trị các bệnh không lây nhiễm đã tăng lên, và sau nhiều tháng, nguy cơ đau tim và đột quỵ tăng lên đáng kể do tình hình căng thẳng kết hợp với các vấn đề sức khỏe vốn có. Trong 3 tháng đầu tiên sau thiên tai, 14.000 cuộc tư vấn về bệnh tăng huyết áp và 1.770 cuộc tư vấn khác về bệnh tiểu đường đã được thực hiện. Sự cần thiết phải giải quyết các Bệnh không lây nhiễm một cách chủ động trước thiên tai và đảm bảo người dân được chăm sóc đầy đủ sau thiên tai là bài học quan trọng từ việc ứng phó với bão Haiyan. WHO đã cung cấp thêm nguồn cung cấp cho việc điều trị các Bệnh không lây nhiễm cho các đội y tế nước ngoài đến hỗ trợ ứng phó vì nhiều người không lường trước được quy mô của nhu cầu.

Trong vòng 3 đến 4 tháng sau thiên tai, có sự chuyển đổi từ giai đoạn ứng phó khẩn cấp sang giai đoạn phục hồi sớm. Các hoạt động ứng phó khẩn cấp như chương trình cho bổ sung thực  phẩm dinh dưỡng sẽ dừng  và dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí sẽ hết khi các đội y tế nước ngoài rời đi. Quá trình chuyển đổi này có thể dẫn đến những thách thức về sức khỏe và đòi hỏi cần phải lập kế hoạch và quản lý y tế trong nước. Ví dụ, ở nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi bão, đã xảy ra tình trạng suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng sẽ càng trở nên trầm trọng hơn khi chương trình bổ sung khẩu phần dinh dưỡng kết thúc. WHO đã và đang thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sinh như một cách để cải thiện sức khỏe trẻ em, và đã đào tạo nhân viên y tế về điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Hệ thống cấp nước công cộng được khôi phục và cần kiểm tra chất lượng nước. Kết quả kiểm tra chất lượng nước được thực hiện tại các khu vực ưu tiên của vùng 8 cho thấy có sự hiện diện của ô nhiễm vi khuẩn trong 1/3 số mẫu được thu thập. Rõ ràng là cần phải đào tạo và tăng cường kỹ năng của các kỹ sư An toàn nước để đảm bảo cung cấp nước an toàn cho người dân. WHO đã đào tạo 340 thanh tra vệ sinh về quản lý chất lượng nước và phân phối các bộ xét nghiệm cho 9 tỉnh và 2 thành phố của Philipin.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần

Trong vài tuần đầu tiên sau khi thiên tai xảy ra, việc sơ cứu tâm lý xã hội là điều cần thiết, đặc biệt là cho những người mất gia đình, nhà cửa hoặc sinh kế. Tuy nhiên, những tác động đến sức khỏe tâm thần chỉ bắt đầu thể hiện thực sự sau khoảng 6 tháng, khi sự lo lắng giao cảm (adrenalin) ban đầu biến mất và tinh thần cũng như năng lượng đều giảm sút. Để ứng phó nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần đòi hỏi phải có đợt hành động y tế thứ 4. WHO ước tính rằng, trong các trường hợp khẩn cấp nhân đạo, tỷ lệ người bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu có thể tăng gấp đôi từ mức cơ sở là 10% lên khoảng 20%, trong khi tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần nặng có thể tăng lên đến 50%.

Bùng nổ dân số

Cuối cùng, thường có một hiện tượng ‘bùng nổ trẻ em’ sau một thiên tai. Nhiều phụ nữ mang thai hơn ​​so với trước đây, dẫn đến nhu cầu chăm sóc trước sinh, thực phẩm và vắc-xin cho trẻ sơ sinh càng lớn. Điều này gây thêm áp lực lên các dịch vụ y tế khi nhiều cơ quan viện trợ đang rút đi. Đợt hành động y tế thứ 5 này đòi hỏi sự mở rộng của các dịch vụ y tế và một kế hoạch dài hạn hơn để phục vụ nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Tăng cường khả năng chống chịu lâu dài

Trong bối cảnh có rất nhiều đợt hành động y tế và nhu cầu chăm sóc sức khỏe phát sinh sau thiên tai, điều quan trọng là các nhóm y tế không nên tập trung cùng một lúc, mà nên kéo dài và dàn trải để có thể hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân nhiều tháng – chứ không chỉ vài tuần - sau thiên tai. Để làm được điều này cần phải có sự phối hợp và hỗ trợ của các nhà tài trợ và các nhà quản lý cơ quan viện trợ. WHO Philippines đặc biệt biết ơn những đội đã lùi lại và tiếp tục công việc sau khi làn sóng hỗ trợ ban đầu lắng xuống và khi các đội khác đã rút đi. Điều quan trọng là cần nhìn nhận các nỗ lực được thực hiện sau khi máy quay TV đã rời đi. Các nhu cầu y tế hơn một năm sau trận bão vẫn còn rất lớn, là mối lo về quản lý và kinh phí cấp cho các hoạt động y tế ứng phó vì hầu hết các nguồn hỗ trợ y tế có xu hướng kết thúc trong vòng 12 tháng sau thiên tai.

Cuối cùng, cần phải có một đợt hỗ trợ y tế thứ 6: Chuyển từ khắc phục hậu quả sang phát triển, cần có một kế hoạch dài hạn để đảm bảo phục hồi đầy đủ và toàn bộ các dịch vụ y tế cho tất cả những người ở các khu vực bị ảnh hưởng. Điều này đòi hỏi đầu tư vào việc lập kế hoạch y tế, quản lý thông tin và tăng cường năng lực ở tất cả các cấp.

Bài học cuối cùng liên quan đến việc làm thế nào để tăng cường khả năng chống chịu trong tương lai, đặc biệt khi tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa thiên nhiên ở Philippines ngày càng tăng. Chúng ta biết rằng các cơ sở y tế chống chọi tốt nhất với bão thường được xây dựng và hỗ trợ bởi cộng đồng. Điều này để cho thấy việc tăng cường khả năng chống chịu phải bắt đầu từ cộng đồng.

Để tăng cường khả năng chống chịu ở cấp cơ sở, cần tăng cường kỹ năng của các nhân viên y tế cộng đồng. Huấn luyện sơ cứu có thể giúp đảm bảo rằng cộng đồng sau đó có thể hỗ trợ những người bị thương trước khi các đội y tế trong nước và quốc tế có thể tiếp cận họ. Khả năng chống chịu cũng cần được tích hợp vào quá trình xây dựng và quản lý các cơ sở y tế, và WHO đã lồng ghép các kế hoạch xây dựng, các tiêu chuẩn thiết kế và hướng dẫn tái thiết các cơ sở y tế trong 2 cuốn sách ảnh do Sở Y tế xuất bản, là Vực dậy mạnh mẽ: Y tế - Bắt đầu từ nơi bị ảnh hưởng. Các cơ sở y tế này cần phải có nguồn cấp điện và nước sạch ổn định trong khi trong điều kiện bình thường vẫn bị thiếu điện, thiếu nước, ngay cả ở những khu vực không bị ảnh hưởng bởi bão. Để cải thiện tình trạng này, các cán bộ địa phương cần hiểu rõ khu vực nào thiếu dịch vụ và chịu trách nhiệm khắc phục điều này. WHO Philippines đã phối hợp tích cực với Sở Y tế để lập bản đồ hiện trạng của cơ sở hạ tầng y tế và dịch vụ y tế. Quá trình này đang diễn ra và sẽ là cơ sở định hướng cho các hoạt động khôi phục.

Philippines luôn phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên hàng năm, và để ứng phó, đất nước cần có các dịch vụ và hệ thống khẩn cấp phù hợp. Hệ thống và cơ chế nhằm ứng phó với thiên tai phải có khả năng đáp ứng nhiều đợt hành động hỗ trợ y tế trong nhiều tháng liền và đối với trường hợp thiên tai ở quy mô lớn như Haiyan, cần sự hỗ trợ trong nhiều năm liền tiếp theo sau trận bão. Để làm được điều này cần đầu tư mạnh mẽ vào quá trình lập kế hoạch y tế, quản lý thông tin và tăng cường năng lực ở tất cả các cấp. WHO Philippines đang tiếp tục làm việc với chính phủ quốc gia và các đối tác quốc tế để đảm bảo khôi phục đầy đủ các dịch vụ y tế cho tất cả những người ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão.


Về chuyên mục

Về đầu trang