Bình đẳng giới - điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ ở Việt Nam

11:12:0, 23/04/2012 Theo báo cáo của Tổ chức UNDP năm 2005, chỉ số phát triển giới (GDI) của Việt Nam đứng hàng thứ 87/144 nước được xếp hạng trên thế giới, thuộc nhóm nước có thành tựu bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông – Nam Á.

Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, là một trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao. Chỉ số phát triển con người (HDI ) tăng từ 0,649 năm 1995 lên 0,688 năm 2003 và 0,725 năm 2009. Chỉ số phát triển giới (GDI) năm 2007 là 0,732 so với HDI là 0,733, tương đương 99,9%.

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó (Luật Bình đẳng giới – 2006).

Ngược dòng thời gian cho thấy, vấn đề giới được tiếp thu và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Cho đến nay, “giới” ngày càng trở thành một vấn đề được xã hội Việt Nam quan tâm, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của cả nam và nữ.

Việt Nam có lịch sử về bình đẳng giới một phần là kết quả của truyền thống mẫu quyền cổ xưa. Tuy nhiên, do bị chế độ phong kiến Trung quốc đô hộ trong nhiều thế kỷ, đạo Khổng đã được truyền bá vào Việt Nam, quyền bình đẳng của phụ nữ bị mai một, người phụ nữ dần trở nên lệ thuộc và thấp kém trong gia đình và xã hội. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã xác định “nam, nữ bình quyền” là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới năm 1946 đã xác định các quyền công dân, trong đó có sự bình đẳng về mọi mặt giữa nam và nữ. Trong suốt mấy chục năm qua, vấn đề bình đẳng nam, nữ luôn được thể hiện trong các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Năm 1982, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt đối xử Đối với Phụ nữ (CEDAW). Năm 2006, Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng Giới và năm 2007 thông qua Luật Ngăn chặn và Chống Bạo lực Gia đình. Các quyền bình đẳng giữa nam và nữ gồm có quyền được làm việc, được hưởng lương như nhau, quyền sở hữu, thừa kế và quyền lựa chọn bạn đời khi kết hôn hoặc ly hôn được nhiều luật bảo vệ như Bộ luật Lao động, Luật Đất đai và Luật Hôn nhân Gia đình. Bên cạnh đó, các nghị quyết và chiến lược quốc gia được đặt ra như Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH , HĐH đất nước” (2007), Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2011-2020)...

Những chủ trương, chính sách trên ra đời từ nhu cầu thực tế và từ những hoạch định mang tính chiến lược lâu dài. Các chiến lược ấy nằm trong chiến lược tổng thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế trong xu thế hội nhập, quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Khi áp dụng vào thực tiễn, đến lượt nó, những chính sách luật pháp này đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu bình đẳng giới ở Việt nam. Bình đẳng giới bản thân nó đã có ý nghĩa, vì khi có bình đẳng giới, mỗi nguời được sống cuộc sống mà họ lựa chọn, không bị áp chế và kỳ thị, phân biệt đối xử, không bị tuớc đoạt vô lý quyền cơ bản của con người. Bất bình đẳng giới không chỉ phương hại đến quyền của những cá nhân đó mà sẽ là gánh nặng kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Trong hiện tại, khoảng cách giữa nam và nữ trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, chính trị, xã hội…hầu như được thu hẹp. Theo số liệu thống kê: tỷ lệ nam giới và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế ở mức gần bằng nhau: nữ 83%, nam 85%. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế, tạo việc làm và giữ vai trò chính trong một số ngành. Tỉ lệ lao động có việc làm được duy trì thường xuyên, chênh lệch giữa nam và nữ chỉ 1,2%, (49,4% nữ; 50,6% nam có việc làm). Tỉ lệ biết chữ của nam từ 10 tuổi trở lên chỉ cao hơn tỉ lệ biết chữ của nữ 6%. Khoảng cách nhập học của học sinh nam, nữ trong tất cả các cấp bậc học được thu hẹp. Hiện tượng bỏ học sớm của trẻ em gái đã được cải thiện. Tính trung bình trong các năm học, tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh nữ cao hơn nam; 100% trẻ em gái từ 11-14 tuổi tốt nghiệp chương trình tiểu học và được vào lớp 6 trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ, cho thấy rất rõ về thành tựu bình đẳng giới. Tuổi thọ bình quân của người Việt nam hiện nay là 72,8 tuổi, phụ nữ là 75,6 tuổi (tăng 5,5 tuổi so với năm 1999), nam giới là 70,2 tuổi (tăng 3,7 tuổi so với năm 1999). Tỉ lệ phụ nữ khám thai, được chăm sóc y tế khi mang thai tăng. Trong lĩnh vực chính trị, số lượng và chất lượng phụ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng. Trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu nhiệm kỳ 1997-2002 là 26,2%; nhiệm kỳ 2002-2007 là 27,3%, nhiệm kỳ 2007-2011 là 25,76%, xếp thứ 31 trên thế giới; nhiệm kỳ 2011 – 2016, là 24,40%. Trong hơn 15 năm qua, Việt Nam luôn có Phó chủ tịch nước là nữ. Trong gia đình, tiếng nói của phụ nữ khi quyết định các vấn đề lớn, quan niệm về con trai, con gái đã có nhiều thay đổi tích cực. Mức độ sở hữu và kiểm soát các tài sản quan trọng của phụ nữ Việt Nam hiện nay đã được pháp luật bảo vệ.

Đạt được những thành tựu về bình đẳng giới nêu trên, có một phần đóng góp tích cực của hội LHPN Việt nam. Có thể khẳng định, hội LHPN Việt nam được đánh giá là tổ chức tiên phong và hoạt động tích cực nhất trong các hoạt động vì bình đẳng giới. Đặc biệt, cùng với công cuộc Đổi mới của đất nước, từ năm 1987 trở lại đây, hội LHPN Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu của thực tế và đòi hỏi ngày càng cao của công tác phụ nữ, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Ngoài các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, hội rất chú trọng tham mưu, đề xuất với Đảng, nhà nước về luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ. hội coi đó là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện rõ vai trò đại diện của tổ chức hội, bởi đây là hoạt động đảm bảo mang lại quyền lợi cho phụ nữ trên diện rộng, chứ không chỉ quyền lợi của một số cá nhân đơn lẻ. Nổi bật là Luật Bình đẳng giới (2006) và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy CNH, HĐH đất nước (2007), Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2007).

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, sự nghiệp phấn đấu vì sự tiến bộ, bình đẳng và phát triển của phụ nữ Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Xuất phát điểm là một nước nông nghiệp, trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, chịu ảnh hưởng của định kiến giới nặng nề, mặc dù Việt nam đã đi được một quãng xa trên con đường đấu tranh vì bình đẳng giới nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, trong đó chủ yếu là khoảng cách giữa quy định pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề thực thi luật trên thực tế. Định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong mọi đối tượng, phân công lao động thực tế vẫn chênh lệch theo hướng bất lợi cho phụ nữ; quan niệm phổ biến vẫn theo hướng trọng trai hơn gái. Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ còn bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán lạc hậu, tỷ lệ phụ nữ nghèo, phụ nữ mù chữ còn cao. Bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, lấy chồng người nước ngoài diễn biến phức tạp. Tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, tham gia các cơ quan dân cử còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ.

Thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và tăng cường hội nhập quốc tế, việc phát huy quyền con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cần đến những chủ trương, chính sách lớn và sự tham gia của cả cộng đồng. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011– 2020 nhằm đến 7 mục tiêu, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm khoảng cách giới trong hệ thống chính trị; giảm khoảng cách giới trong kinh tế, lao động, việc làm, tăng sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ.

Về chuyên mục

Về đầu trang