“Bóng ma” động đất vẫn lởn vởn ở châu Á

22:14:0, 22/04/2012 Theo nhận định của nhiều chuyên gia địa chấn quốc tế, trận động đất ngày 11-4 ngoài khơi Indonesia là dấu hiệu dự báo sẽ có vài trận động đất khác lớn hơn và gây sóng thần lớn trong thời gian tới
                           
 
Học sinh ở Aceh (Indonesia) tham gia một cuộc diễn tập đối phó với động đất 
Ảnh: AFP
                   

Giáo sư Thanawat Jaruphongsakul, một nhà nghiên cứu địa chấn kỳ cựu thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), cảnh báo một trận động đất dữ dội có thể sẽ xảy đến trong thời gian tới ở quần đảo Nicobar của Ấn Độ trên biển Andaman, cách Sumatra của Indonesia 150km về hướng bắc. Động đất lớn có thể tạo ra sóng thần và đổ ập vào vùng bờ biển Andaman của Thái Lan.

“Bất cứ khi nào có động đất nằm sâu trong lớp vỏ Trái đất, sau đó vài ngày có thể sẽ có một trận động đất khác” - giáo sư Thanawat nhận định.

Kỳ lạ hiếm có

Theo nhà nghiên cứu địa chấn hàng đầu Singapore Kerry Sieh, trận động đất dưới đáy biển ngày 11-4 ở Indonesia lớn một cách khác thường và hiếm gặp, có lẽ chỉ 2.000 năm mới xảy ra một lần. Trận động đất mạnh 8,6 độ Richter và dư chấn 8,2 độ Richter đều là dạng va trượt theo chiều ngang, tức các đới đứt gãy di chuyển theo phương ngang, do đó ít gây tàn phá hơn loại động đất theo phương thẳng đứng. Dư chấn mạnh 8,2 độ Richter cũng thuộc loại lớn thứ hai từ trước đến nay. Tuy mới chỉ gây thiệt hại nhỏ là vài người bị thiệt mạng, nhưng đang làm tăng nguy cơ về một trận động đất khủng khiếp sắp xảy đến trong khu vực.

“Tại sao trận động đất ngày 11-4 lại xảy ra chỉ tám năm sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2004? Đây là điều hoàn toàn mới đối với hầu hết nhà nghiên cứu địa chấn và địa chất” - giáo sư Thanawat nêu câu hỏi.

Các nhà nghiên cứu địa chấn quốc tế đã theo dõi, nghiên cứu trận động đất ở Nhật hồi tháng 3-2011 và nhận thấy: ngày 9-3-2011 xảy ra trận động đất 7,3 độ Richter, theo họ là trận động đất chính. Tiếp theo sau đó là hai dư chấn, trong đó có cơn địa chấn 9 độ Richter ngày 11-3 gây nên thảm họa kép sóng thần - hạt nhân.

Theo nhà nghiên cứu địa chấn nổi tiếng của Nhật, giáo sư Michio Hashzume, hiện rất khó để nói liệu có một trận động đất khác theo sau trận động đất ngày 11-4 giống như “kịch bản” đã diễn ra ở Nhật hay không, nhưng nếu có động đất gần quần đảo Nicobar thì đáy biển và lớp vỏ ngoài Trái đất có thể sẽ bị biến động lớn. Khi đó đáy biển có thể sẽ trồi lên cao và gây nên sóng thần.

Nguy cơ tăng lên

Nói chung, các nhà nghiên cứu địa chấn đều cho rằng trận động đất ngày 11-4 ở Indonesia đã làm tăng áp lực lên những khu vực giáp ranh của các mảng kiến tạo địa chất gần Aceh. Do đó làm tăng nguy cơ về một trận động đất lớn tại khu vực tâm chấn của thảm họa động đất - sóng thần năm 2004.

Theo một báo cáo do nhóm nghiên cứu của ông Kerry Sieh đưa ra, trận động đất năm 2004 ở Aceh chỉ giải phóng 50% áp lực tích tụ hàng thế kỷ qua lên đường đứt gãy dài 400km. Điều này có nghĩa sẽ còn một trận động đất mạnh nữa. Năm 2008, nhóm nghiên cứu của ông còn phát hiện đã xuất hiện một đới đứt gãy dài 700km dưới quần đảo Mentawai (phía tây Sumatra) và ở đó các áp lực đang tích tụ. Nhiều khả năng một số trận động đất lớn sẽ xảy đến trong vòng vài năm tới.

Khu vực đảo Sumatra, cực tây Indonesia, là nơi thường xuyên xảy ra động đất mạnh. Hầu hết các trận động đất tại khu vực này đều xuất phát từ vùng ngoài khơi dọc chiều dài của đảo. Ở đó, mảng kiến tạo địa tầng Ấn Độ - Úc đang bị đè dưới mảng kiến tạo Âu - Á và trượt lên nhau theo tốc độ vài centimet mỗi năm. Cùng lúc, bản thân mảng kiến tạo Ấn Độ - Úc lại xô lệch với nhau theo phương ngang với tốc độ chừng 1cm mỗi năm. Các chuyển động này đang tạo ra một đường rãnh dưới đáy đại dương.

“Trong những năm qua có rất nhiều trận động đất lớn quanh khu vực Sumatra và có vẻ như có nhiều đới đứt gãy đang sẵn sàng chuyển động” - chuyên gia Sieh cảnh báo

Về chuyên mục

Về đầu trang