Kiểm tra việc bảo đảm an toàn hồ chứa Đăk Hna, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi.
Sau nhiều năm được đầu tư xây dựng, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 490 công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Trong số đó, có 19 hồ chứa có dung tích lớn hơn một triệu m3 nước, còn lại là các công trình thủy lợi có hồ chứa nhỏ hơn 1 triệu m3 nước. Các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng không chỉ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân mà nhiều công trình được đầu tư còn để phát điện, sản xuất công nghiệp và điều tiết dòng chảy trong mùa lũ. Tuy nhiên, các hồ, đập trên địa bàn tỉnh phần lớn được đầu tư xây dựng đã lâu nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân ở vùng hạ lưu.
Chính vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn hồ chứa, đập dâng cần phải đặc biệt coi trọng, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, mưa lũ khó lường, vượt ra ngoài quy luật thông thường như hiện nay. Thực tế cho thấy, từ năm 2006 đến nay, số lượng các công trình thủy lợi bị tàn phá do mưa lũ không phải ít. Theo số liệu thống kê, năm 2006 mưa lũ đã làm 44 công trình bị hư hại; năm 2008 có 9 công trình kiên cố bị hư hại và 57 công trình thủy lợi tạm bị cuốn trôi; năm 2009 có 128 công trình thủy lợi kiên cố bị hư hại và 429 công trình thủy lợi tạm bị cuốn trôi. Nguyên nhân khiến nhiều công trình không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão là nhiều công trình được xây dựng từ năm 1990 trở về trước, khi đó, các điều kiện tự nhiên như rừng phòng hộ còn nhiều, xanh tốt, nay mất rừng, các thông số thiết kế ban đầu không còn phù hợp; nhiều công trình thủy lợi lại không có tràn kiên cố (chủ yếu là tràn bán kiên cố và tràn tự nhiên)…nên không chịu được sự tàn phá của thiên nhiên.
Trước những vấn đề đang đăt ra, đòi hỏi ngành Thủy lợi tỉnh cần phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm an toàn hồ chứa. Theo các chuyên gia, đối với các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng bị xuống cấp, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư nâng cấp còn hạn chế, các cấp, các ngành và các địa phương cần triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn hồ đập. Hàng năm, ngành Thủy lợi cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý công trình và chính quyền địa phương có kế hoạch tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý hồ đập cho người quản lý và khai thác; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong vùng hưởng lợi để họ cùng tham gia quản lý, bảo vệ công trình. Có kế hoạch đánh giá chất lượng từng công trình để lập kế hoạch đầu nâng cấp công trình đã bị xuống cấp. Các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình cần có phương án vận hành, điều tiết nước hồ, đập hợp lý. Việc duy tu, sửa chữa công trình cần tính đến những những thay đổi của điều kiện khí hậu, thủy văn để bảo đảm an toàn hồ đập trong mọi tình huống. Cuối cùng là việc trồng lại rừng phòng hộ đầu nguồn và kiên quyết xử lý nghiêm minh mọi tổ chức, cá nhân phá hoại rừng phòng hộ gây ảnh hưởng đến công trình.