Trong nghiên cứu dày tới 800 trang được công bố tại Hội nghị quốc tế về khí hậu ở Thủ đô Kampala của Uganda vừa qua, UNIPCC nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu sẽ tăng cường cường độ và tần số các sự kiện thời tiết cực đoan. Nhân loại phải thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo vệ mình để tránh những bất hạnh tệ hại nhất trong tương lai.
Tính chất và sự nghiêm trọng của thảm họa phụ thuộc không chỉ vào mức độ cực đoan của các sự kiện thời tiết mà còn vào nguy cơ dễ bị tổn thương và việc con người không được bảo vệ trước thảm họa. UNIPCC cảnh báo trừ phi lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính sớm được kiểm soát, khi lượng khí này đạt đến ngưỡng nào đó, mọi nỗ lực của con người nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu trở nên ít hiệu quả.
Các nước nghèo sẽ phải chịu tác động trước tiên và khốc liệt nhất như các đợt gió nóng năm 2003 đã giết hại 70.000 người ở châu Âu và cơn bão lốc Katrina gây lụt cả thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ là những nhắc nhở nghiêm khắc rằng ngay cả những nước giàu có cũng không tránh khỏi những thiệt hại khổng lồ về người và của do tác động của các thảm họa thời tiết.
Trong bối cảnh này, các nhà khoa học thế giới nhấn mạnh nhiều dự án thích nghi với biến đổi khí hậu đã được nghiên cứu và triển khai, đặc biệt ở các địa phương. Các rừng đước ở Việt Nam, Campuchia, Myanmar có thể giúp hạn chế sức tàn phá của các trận cuồng phong bắt nguồn từ nguyên nhân trái đất nóng lên và nước biển dâng cao.
Các giống ngô, lúa gạo và đậu tương mới chịu được nhiệt độ cao có thể cứu cuộc sống của hàng triệu người. Theo Nhóm Tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, hơn 350 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với một loạt nguy cơ tiềm tàng dẫn đến các thảm họa thời tiết khốc liệt. Mặc dù có thể có giải pháp khác nhau cho các cộng đồng khác nhau, song công dân các quốc đảo trên các đại dương không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm nơi định cư lâu dài khác trong điều kiện nước biển dâng cao.