Tại Lào Cai, theo thống kê, cơn lốc kèm mưa đá lịch sử đêm 20/4, đã làm tốc mái, hư hỏng 2.214 ngôi nhà dân và một số diện tích hoa màu ở 9 xã của 2 huyện nằm dọc sông Hồng là Bảo Yên và Bảo Thắng, thiệt hại hàng tỷ đồng.
TTXVN cho biết, sáng 21/4, lãnh đạo UBND hai huyện Bảo Yên và Bảo Thắng cùng các ngành chức năng đã có mặt tại các xã, thăm hỏi nhân dân và kiểm tra thực tế, thống kê thiệt hại để có biện pháp giúp đỡ các hộ sớm sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh làng bản và có kế hoạch trồng bổ sung diện tích cây màu và lương thực đã bị lốc và mưa đá tàn phá.
Theo ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban thường trực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ tỉnh Lào Cai, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiểm tra và thống kê thiệt hại để kịp thời hỗ trợ nhân dân khôi phục nơi ăn chốn ở, ổn định sinh hoạt và phát triển sản xuất trên tinh thần huy động nguồn lực tại chỗ là chính.
Hiện nay, hai huyện Bảo Yên và Bảo Thắng đã hỗ trợ nhân dân hàng ngàn mét vuông tấm lợp, hàng trăm kg giống, giúp bà con khôi phục sản xuất, ổn định đời sống; nhân dân tự giúp nhau hàng vạn tàu lá cọ, tấm lợp và gỗ giúp nhau làm nhà, chằng chống nhà cửa, đề phòng các cơn lốc bão tiếp theo.
Vào khoảng từ 20-22h ngày 20/4 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra mưa rào kèm theo mưa đá và lốc trên diện rộng gây thiệt hại nặng tại nhiều huyện trên toàn tỉnh.
Ông Triệu Văn Thanh, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Bắc Kạn cho biết, trận mưa đá và lốc xảy trên tất cả các huyện nên cho đến thời điểm này vẫn chưa thể thống kê hết về thiệt hại. Mưa đá đã xảy ra tại các huyện Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể và thị xã Bắc Kạn. Viên đá có đường kính khoảng 0,5 đến 3cm, mưa khá dày và thời gian mưa đá kéo dài từ 4 đến 7 phút.
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Bắc Kạn, tính đến khoảng 11h trưa nay đã thống kê sơ bộ được khoảng hơn 2.000 nhà, trường học, trụ sở bị tốc mái; 3 người bị thương nhẹ (tại huyện Ba Bể); nhiều cây trồng như cây thuốc lá, cây ngô và cây giống tại các vườn ươm bị hư hại với diện tích rộng. Tại huyện Na Rì có 10/22 xã bị ảnh hưởng, tốc mái 978 nhà; huyện Chợ Đồn có 2 xã bị ảnh hưởng là Nam Cường và Đồng Lạc, tốc mái 500 nhà; ở huyện Ba Bể, các xã Quảng Khê, Khang Ninh, Nam Mẫu, Cao Thượng, Đồng phúc đều bị ảnh hưởng, huyện Chợ Mới đã có 75 nhà dân bị ảnh hưởng mưa đá hỏng mái...
Ngoài ra, lốc tố cũng xảy ra tại hầu hết các huyện, thị xã của tỉnh Bắc Kạn, tốc độ gió lớn nhất đạt cấp 7 đến cấp 10 tại thị xã Bắc Kạn và đạt cấp 9 đến cấp 10 tại huyện Ba Bể.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại tại các xã phường; khắc phục thiệt hại theo phương châm “4 tại chỗ” và tổ chức trực ban, tổng hợp báo cáo.
Trận mưa to kèm theo gió lớn xảy ra rạng sáng 21/4, đã làm sập ngôi nhà sàn 2 gian của gia đình chị Nông Thị Đường, dân tộc Dao quần trắng làng Dùm, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), khiến 2 người chết và 1 em nhỏ bị thương.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang đã huy động lực lượng dân quân và đội cứu hộ địa phương đến cứu nạn, đến sáng 21/4, thi thể 2 nạn nhân đã được tìm thấy. Trước mắt, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ gia đình chị Đường 5 triệu đồng để dựng lại nhà và mỗi người bị chết 4,5 triệu đồng.
Làng Dùm có 35 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao quần trắng, Nùng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trong làng còn 11 hộ nghèo. Các hộ dân sống rải rác ở các thung lũng và sườn núi. Trận mưa to gió lớn xảy ra rạng sáng nay còn làm nhà của 3 hộ dân trong làng bị tốc mái, 2 ha ngô bị gẫy đổ mất trắng./.