Cần nâng cấp đê bao vùng trũng Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị

8:58:33, 01/06/2022 Đợt mưa lớn bất thường xảy ra cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua khiến vùng trũng Hải Lăng, vựa lúa lớn nhất tỉnh Quảng Trị ngập úng nặng. Tuyến đê bao dài 56 km dọc bờ sông có chức năng ngăn lũ tiểu mãn bị nước tràn qua, ngập đồng ruộng.

Sau gần 14 năm đưa vào sử dụng, tuyến đê bao vùng trũng Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã góp phần ngăn lũ tiểu mãn và lũ sớm, chống ngập úng, bảo vệ hơn 5.000 ha lúa và nuôi trồng thủy sản tại 12 xã vùng trũng huyện Hải Lăng. Tuy nhiên, trước những biến đổi bất thường của thời tiết, cao trình chống lũ của tuyến đê bao này không còn phù hợp, hệ thống tiêu, thoát úng cho vùng trũng Hải Lăng không đáp ứng yêu cầu, cần có giải pháp phù hợp hơn.

Hệ thống bơm tiêu, chống úng với hơn 80 trạm tại 12 xã vùng trũng Hải Lăng cũng quá tải. Khu đồng ruộng gần 5.000 héc ta vùng trũng Hải Lăng ngập chìm trong nước, khi lúa vừa làm đồng, trổ bông. Lúa ngâm lâu ngày trong nước bị thối, mất trắng.

Ông Hồ Sen, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng cho biết, đợt mưa lớn vừa qua, HTX phải bỏ ra gần 300 triệu đồng để bơm tiêu úng nhưng không cứu được lúa: “Hiện nay, nếu mưa lũ, công tác chống úng của HTX rất khó khăn. Các HTX bây giờ cạn kiệt vốn. Hệ thống bơm chống úng quá nhỏ, chạy không kịp. Nhà nước cũng cần quan tâm hỗ trợ bơm tiêu cho các HTX”.

 

Đợt mưa to vừa qua, hầu hết tuyến đê bao ngăn lũ vùng trũng Hải Lăng ngập sâu hơn nửa mét, có đoạn ngập gần cả mét, nước tràn vào đồng ruộng. Các địa phương huy động người dân dùng bao tải cát ngăn nước tràn vào nhưng không thể cứu vãn.

 

Ông Phan Văn Quang, ở HTX nông nghiệp Đông Dương, xã Hải Dương cho biết, trước khi nước tràn ngập đồng, các tuyến kênh mương bằng đất cát cũng bị vỡ, đất cát tràn vào lấp ruộng lúa: “Chúng tôi có một số kênh bằng đất cát. Một số làm đã bằng bê tông nhưng chưa hoàn thiện. Toàn bộ nước tràn vào ruộng Khi đê bao chưa tràn, lượng cát đó đã tràn vào đồng. Cần nâng cấp, sửa chữa lại hệ thống kênh đất cát và đê bao”.

Vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị thấp hơn mực nước biển từ 0,8 đến gần 1,2 mét. Mỗi lần mưa, nước ngập kéo dài, ảnh hưởng lịch gieo sạ. Vụ hè thu thường xuyên ngập úng, hư hại, cá tôm nuôi bị nước cuốn trôi do lũ tiểu mãn. Năm 2008, từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ, tỉnh Quảng Trị triển khai Dự án chống lũ vùng trũng Hải Lăng. Dự án nâng cấp cao trình 56 km đê bao bằng đất, gia cố bằng bê tông và đầu tư thống trạm bơm tiêu úng.

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, từ khi có tuyến đê bao đã ngăn được lũ tiểu mãn và lũ sớm, bảo vệ vùng sản xuất 12 xã vùng lũ Hải Lăng. Tuy nhiên, sau đợt mưa lớn bất thường vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua đã vượt quá khả năng ngăn lũ của tuyến đê bao này.

Theo ông Dương Viết Hải, sau mỗi mùa mưa lũ hàng năm, các bờ sông bị xói lở nặng, có đoạn lở sát vào tận chân đê bao, tạo thành hàm ếch. Mái taluy dương dọc đê bao được lát bằng tấm bê tông bị nứt và tuột xuống lòng sông:  “Qua quá trình sử dụng, tuyến đê bao cũng đã xuống cấp, thời gian tới đề nghị cấp trên cần quan tâm cho nâng cấp cao trình tuyến đê bao, nâng cấp hệ thống bơm tiêu úng, thoát lũ để đảm bảo ngăn lũ, bảo vệ mùa màng cho khoảng 5.000 héc ta tại vùng trũng Hải Lăng”.

Đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đây, khi làm đê bao ngăn lũ, đơn vị tư vấn cũng đã tính toán kỹ. Bây giờ, nếu nâng cao trình đê bao để ngăn lũ đồng ruộng thì dẫn đến ngập nặng ở khu dân cư vào mùa mưa lũ. Giải pháp hiện nay là nạo vét bãi bồi, thông luồng tạo dòng để đảm bảo tiêu úng thoát lũ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang nghiên cứu xây dựng hồ chứa Ô Lâu Thượng ở thượng nguồn lưu vực sông Ô Lâu, dung tích trên 90 triệu m3. Khi hồ thủy lợi này đưa vào hoạt động sẽ điều tiết tích nước, cắt lũ và cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho 12 xã vùng trũng Hải Lăng.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang đánh giá lại năng lực của các tuyến đê bao, hệ thống bơm tiêu úng để có giải pháp hiệu quả hơn: “Đối với vùng trũng của huyện Hải Lăng cần có nghiên cứu, đánh giá lại toàn diện năng lực hệ thống đê bao ngăn lũ vùng trũng để có giải pháp nâng cao năng lực tiêu úng thoát lũ, đặc biệt là lũ dị thường xảy ra trong thời điểm đang tổ chức sản xuất./.

(Nguồn: vov.vn)

Về chuyên mục

Về đầu trang