Với tuyên bố trên, Canađa sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chính thức rút khỏi Nghị định thư Kiôtô mà nước này cho là có khiếm khuyết lớn bởi nghị định này không bao gồm tất cả các nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chính trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Tuy không cho biết thời gian cụ thể khi nào Canađa sẽ rút khỏi Nghị định thư Kiôtô, nhưng ông Ken cho biết theo các điều khoản của nghị định này, Canađa sẽ bị phạt khoản tiền khổng lồ lên tới 14 tỉ USD nếu không rút khỏi Kiôtô (theo quy định là một năm) trước khi thời hạn cho việc đạt được các mục tiêu đã ký kết thúc.
Cho đến nay, Nghị định thư Kiôtô là văn bản ràng buộc pháp lý duy nhất quy định trách nhiệm cắt giảm khí thải của 37 nước công nghiệp, trừ Mỹ. Theo quy định, giai đoạn I của văn kiện này sẽ hết hạn vào cuối năm 2012 và dự thảo của Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 17 tại Đơban (Durban) Nam Phi vừa qua quy định giai đoạn II của Nghị định này sẽ tiếp tục đến hết năm 2017, trước khi các nước đạt được một thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu có hiệu lực muộn nhất vào năm 2020.
Tuyên bố của Bộ trưởng Môi trường Canađa lập tức đã bị các tổ chức bảo vệ môi trường trong nước chỉ trích, cho rằng việc rút lui là dấu hiệu càng cho thấy chính quyền của Thủ tướng Hapơ (Harper) "đang quan tâm đến việc bảo vệ các tác nhân gây ô nhiễm hơn là bảo vệ con người". Các nghị sĩ đảng Dân chủ mới đối lập cho rằng việc rút lui khỏi hiệp ước môi trường của Canađa không vì số tiền phạt nêu trên vì Nghị định thư Kiôtô không quy định mức tiền phạt, mà vì chính phủ do đảng Bảo thủ cầm quyền không đáp ứng được các mục tiêu cam kết trong Nghị định thư. Các nhà hoạt động môi trường cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Hapơ "bội ước" cam kết tham gia giai đoạn II của Nghị định thư là do không muốn làm tổn thương đến ngành công nghiệp dầu cát đang hứa hẹn phát triển mạnh mẽ nhưng cũng là nguồn thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhanh nhất của nước này.
Các nhà khoa học cảnh báo nếu mức độ khí gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, nhiệt độ Trái đất cuối cùng sẽ tăng cao tới mức khiến các tảng băng phải tan chảy, làm mực nước biển dâng cao thêm nhiều mét. Tuy chưa biết chính xác thời gian xảy ra thảm họa đó song các nhà đàm phán suốt hai thập kỷ qua cho tới nay đang tập trung ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,2 độ C vào cuối thế kỷ này./.