Trong những năm qua đã có nhiều hoạt động được tiến hành nhằm có thể đi đến những hành động chung trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Ngày 14/11 vừa qua, diễn đàn mang tên "Tổn thương vì biến đổi Khí hậu" được tổ chức tại Dhaka, Thủ đô Bangladesh với sự tham dự của chừng 30 quốc gia, trong đó có hơn phân nửa là những nước nằm trong diện có nguy cơ chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu nhiều nhất.
Tại diễn đàn ở Dhaka, Tổng Thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon cho rằng, nếu con người sẵn sàng đối phó trước những hiện tượng được cảnh báo như thế thì có thể tránh được những khốn khó tồi tệ hơn trong tương lai. Ông Ban Ki-moon cho rằng, có nhiều phương thức giải quyết hiệu quả về mặt chi phí mà các cộng đồng có thể thực hiện nhằm giảm thiểu tác động của những hiện tượng thời tiết bất thường cực đại.
Theo Tổng Thư ký LHQ, trong khi những quốc gia nghèo không có đủ phương tiện để đối phó với thiên tai nên là những nơi bị tác động trước hết và dữ dội nhất. Tuy nhiên ngay cả những quốc gia có tiềm lực kinh tế cũng phải ở tư thế sẵn sàng đối phó. Ông đưa ra những ví dụ như đợt nóng hồi năm 2003 giết chết 70 ngàn người ở châu Âu và trận bão Katrina tại Mỹ gây ngập lụt cho New Orleans với bao thiệt hại vật chất. Ông Ban Ki-moon cho rằng, chính một số nước bị tác động nhiều nhất bởi hiện tượng biến đổi khí hậu có thể là nguồn động lực cho các nước giàu về cách thức giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông đưa ra trường hợp của một số nước như quần đảo Maldives, Costa Rica, Samoa là những nơi cam kết không thải khí carbon nữa. Theo ông thì vào lúc kinh tế thế giới gặp những bất ổn như hiện nay mà vẫn có những quốc gia cam kết theo đường lối phát triển xanh như thế, thì đó là một thúc đẩy cho những nước phát triển hơn đang là những nơi phát thải lớn trên thế giới.
Tại Diễn đàn "Tổn thương vì biến đổi khí hậu" do Tổng thống đảo quốc Maldives khởi xướng và cuộc họp đầu tiên diễn ra hồi tháng 11 năm 2009, các nước tham gia diễn đàn năm nay đồng ý thành lập một mặt trận thống nhất trước khi diễn ra Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Durban, Nam Phi vào tháng 12 tới đây.
Một diễn biến đáng chú ý khác là vào ngày thứ sáu vừa qua, cơ quan chức năng LHQ đưa ra phúc trình với nhận định, trong thế kỷ này số nạn nhân tử vong sẽ tăng lên do những đợt lụt lội, hạn hán, nắng nóng mỗi lúc mỗi trầm trọng thêm. Phúc trình đến 800 trang do Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), thực hiện. Theo đó hiện tượng trái đất ấm dần lên sẽ làm tăng tần suất và lực mạnh của các hiện tượng khí hậu. Phúc trình đặc biệt này được soạn thảo trong suốt ba năm trời dựa vào những nghiên cứu khoa học và được cho là nghiên cứu đầu tiên của IPCC chuyên tìm hiểu mối quan hệ giữa tình trạng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đại. Đây cũng là lần đầu tiên IPCC kết hợp việc nghiên cứu khoa học về khí hậu với công tác quản trị rủi ro trong một phúc trình như thế.
Kể từ năm 1990 khi, IPCC đưa ra báo cáo đánh giá đầu tiên, tiếp đó những nhóm nghiên cứu độc lập làm việc có những báo cáo riêng về các mặt khác nhau. Một trong những cảnh báo mà phúc trình đưa ra là tính chất và mức độ trầm trọng của những tác động không chỉ tùy thuộc vào tình trạng cực đoan của những hiện tượng thời tiết mà còn từ yếu tố tổn thương và tiếp xúc nữa.
Dự báo nói khu vực Tây Âu đứng trước nguy cơ có những đợt nóng thường xuyên hơn, đặc biệt ở vành đai Địa Trung Hải. Bão tại khu vực Đông, Nam Mỹ và vùng Caribê sẽ mạnh hơn do lượng mưa nhiều hơn và gió mạnh hơn. Đối với những đảo quốc nước biển dâng là một mối nguy xâm thực... Khu vực Tây Phi sẽ chịu nhiều hạn hán hơn. Nắng nóng tại khu vực Đông Á sẽ nóng hơn và không còn cá biệt nữa. Tại vùng Nam Á và Đông Nam Á tần suất bão lớn sẽ gấp đôi.
Tại diễn đàn Dhaka, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khen ngợi Bangladesh rằng dù là một quốc gia kém phát triển và nghèo nằm tại một vùng đất thấp nhưng nước này trở thành một nước đi đầu thế giới trong việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Qua việc sử dụng hệ thống cảnh báo sớm và lực lượng tình nguyện trong cộng đồng, Bangladesh đã giảm được đáng kể số người thiệt mạng vì bão tố, chứng tỏ một điều là hiểm nguy thiên nhiên không nhất thiết có thể gây nên tổn thất nhân mạng. Bangladesh đang cho tiến hành xây dựng thêm nhiều nơi tránh bão, mở rộng chương trình chống biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp, trồng cây dọc theo dải bờ biển. Tất cả các chương trình phòng chống biến đổi khí hậu của Bangladesh đều được lấy từ nguồn quỹ trong nước.
Cũng có những công việc cụ thể đang được tiến hành tại nhiều nơi trên thế giới nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu được nêu ra như biện pháp khôi phục và trồng mới rừng đước ngập mặn ven biển tại các nước như Việt Nam, Campuchia, Myanmar.