Châu Âu yêu cầu ngành hàng không trả phí ô nhiễm

0:33:0, 02/01/2012 Kể từ ngày 01/01/2012, các công ty vận tải hàng không sẽ phải chi trả phí ô nhiễm do các máy bay gây ra trên lãnh thổ của Liên minh châu Âu. Trong giai đoạn đầu, khoản phí này sẽ không quá cao do mức giá hiện tại của 01 tấn CO2 vẫn còn khá thấp.

 

Các nhà khoa học lo ngại rằng, ngành hàng không sẽ tạo ra nhiều khí thải hơn trong tương lai, khi máy bay trở thành phương tiện giao thông phổ biến hơn. Ảnh: Getty Images

Phát biểu với giới báo chí, ông Isaac Valero, người phát ngôn của Cao ủy phụ trách khí hậu của châu Âu Connie Hedegaard, cho biết: “Các giấy phép (quyền được gây ô nhiễm) sẽ được phân phát kể từ ngày 01/01/2012 theo giá thị trường, tương đương 8 euro/tấn CO2”.

Các nước châu Âu mong muốn bắt buộc tất cả các công ty vận tải hàng không, không phân biệt quốc tịch, phải mua lại tương đương 15% lượng khí thải CO2 của mình, tương đương 32 triệu tấn, tính từ ngày 01/01/2012 để đấu tranh chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Với mức giá 8 euro/tấn, biện pháp này được áp dụng, dự kiến sẽ mang lại 256 triệu euro trong năm 2012.

Nếu các công ty vận tải hàng không không thực hiện theo luật của châu Âu, các công ty này sẽ phải trả các khoản phạt với số tiền lên tới 100 euro/tấn CO2 và sẽ có thể bị cấm bay trong lãnh thổ của EU.

Việc tính toán lượng khí CO2 do máy bay thải ra khi bay trên bầu trời của EU sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012 vào lúc 00h00 giờ địa phương.

Sau đó, mỗi nước trong số 27 nước thuộc EU cũng như Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cùng tiến hành báo cáo vào tháng 4/2013 để tổng hợp các khoản tài chính liên quan tới quyền thải khí trong năm 2012.

Bên cạnh đó, các công ty vận tải hàng không cũng tham gia vào hệ thống trao đổi hạn ngạch thải khí được áp dụng từ năm 2005 trong EU để giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Ủy ban châu Âu, “đây không phải là một khoản thuế, mà là một thị trường. (…). Giá của quyền thải khí phản ánh thực tế của thị trường này. Hiện tại, nó rất thấp do cuộc khủng hoảng và sự dư thừa quyền thải khí hiện đang diễn ra, nhưng Liên minh châu Âu sẽ làm tất cả để nâng mức này lên”.

Trong năm 2012, các quốc gia EU sẽ phải quyết định loại bỏ một số lượng lớn giấy phép được thải khí CO2 trên thị trường. Ủy ban châu Âu đề xuất phong tỏa trong khoảng từ 500 – 800 triệu tấn tương đương CO2. Nghị viện châu Âu đề xuất thu hồi 1,4 tỷ tấn. Dù lượng khí được giảm thiểu có thế nào thì điều này cũng sẽ dẫn tới tình trạng tăng giá giấy phép phát thải khí CO2.

Một quan chức của châu Âu nhấn mạnh: “Các công ty vận tải hàng không phải hiểu rằng, giá CO2 sẽ có thể tăng trong năm tới, nhưng họ sẽ hoàn toàn tự do quyết định khi nào thì sẽ mua nó”.

Tuy nhiên, quyết định áp thuế của EU đã bị 26/36 thành viên Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) phản đối quyết liệt, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Các chuyên gia đang lo ngại đây sẽ là khởi nguồn của một cuộc chiến thương mại mà “bên nào cũng là kẻ thua”./.

Về chuyên mục

Về đầu trang