Chính sách biến đổi khí hậu đã có nhiều thay đổi tích cực

1:39:0, 19/02/2012 Tại phiên họp toàn thể Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) sáng 17/2, các nhà tài trợ quốc tế, các Bộ, ngành, các tổ chức phi Chính phủ đều nhận định, chính sách về biến đổi khí hậu hiện đã mở rộng, có tính thống nhất hơn nhiều so với 5 năm trước đây.

Diễn đàn chính sách quan trọng về biến đổi khí hậu

Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) được thành lập năm 2009 nhằm hoàn tất xây dựng khung chính sách về biến đổi khí hậu để vận động tài trợ. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, gần 3 năm qua, Chương trình đã hỗ trợ tích cực, trở thành Diễn đàn chính sách quan trọng về biến đổi khí hậu. Chính sách biến đổi khí hậu có những chuyển biến đáng kể tạo nền móng cho giai đoạn tới.

5 năm trước, chính sách biến đổi khí hậu khá mơ hồ, nhiều Bộ, ngành đưa ra các chính sách chồng chéo, chưa tập trung. Đến nay, một hình dung cơ bản về chính sách thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu đã dần hiện rõ.

Theo đánh giá của ông Naoki Mori, chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các kết quả chính của Chương trình SPRCC là xây dựng được các chính sách và khung thể chế; thúc đẩy thảo luận chính sách; đẩy mạnh công tác điều phối; xác định được dòng ngân sách cho dự án biến đổi khí hậu; huy động được các nguồn lực khác nhau.

Điểm nhấn trong hoạt động chính sách thể chế năm 2011 chính là việc cho ra đời khung ma trận chính sách trong đó có 10 hành động chính sách bắt buộc đã được các Bộ, ngành hoàn thành với kết quả tốt.

Ông Lê Văn Minh, Phó trưởng Ban điều phối Chương trình SPRCC cho biết, ma trận chính sách đã hỗ trợ tích cực cho các Bộ, ngành và cá nhà tài trợ. Nhờ vào một số hành động chính sách như phát triển năng lượng tái tạo, trồng rừng, giảm phát thải khí nhà kính… đã tạo cơ hội để du nhập các công nghệ mới vào Việt Nam…
 

                                                                          Toàn cảnh phiên họp

Hai kết quả cần kể đến là Thủ tướng thông qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu.

Nỗ lực trong ban hành các chính sách, hoàn thiện thể chế ở Việt Nam đã củng cố niềm tin của các nhà tài trợ. Năm 2011, Chương trình đã nhận được cam kết tài trợ 260 triệu USD của 6 nhà tài trợ.

 Cần các chính sách cụ thể hơn

Tại cuộc họp này, các đại biểu đều cho rằng, “diễn đàn chính sách” SPRCC cần tiếp tục phát huy ưu thế, đồng thời cần hướng các chính sách cụ thể, thiết thực hơn. Bởi chúng ta đã bước qua giai đoạn khởi động, chuyển sang giai đoạn hành động tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Lê Văn Minh cho biết, hơn 40 hành động chính sách cũng đã được thảo luận dự kiến đề xuất cho giai đoạn 2012-2013.

Ông Minh cho rằng, các hành động chính sách trong giai đoạn tới phải đồng thời là những hành động ưu tiên cao của các Bộ, ngành và có tính khả thi cao. Đồng tình với ý kiến này, ông Mori đề nghị, cần có sự chỉ đạo, cam kết mạnh hơn trong các Bộ, ngành liên quan đối với việc xây dựng hành động chính sách, đảm bảo phù hợp với Chiến lược về biến đổi khí hậu.

Ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trưởng Ban điều phối Chương trình SPRCC kết luận, các hành động chính sách trong giai đoạn tới cần vươn tới tầm nhìn dài hạn hơn.

Về chuyên mục

Về đầu trang