Cuộc họp tư vấn về cơ sở dữ liệu khu vực Nam Á và Đông Nam Á tại Thái Lan do Trung tâm Nghiên cứu về dịch tễ học trong thiên tai (CRED), Vương quốc Bỉ tổ chức từ ngày 11-13/12/2012

14:36:0, 22/12/2012 Nhằm đánh giá thực trạng và định hướng phát triển cơ sở dữ liệu về thiên tai khu vực Đông Nam Á, Nam Á và một số quốc gia, Trung tâm CRED đã tổ chức cuộc họp tư vấn gồm các chuyên gia và một số tổ chức khu vực, quốc tế như UNDP, WB, JICA, ECHO, ADB, WHO, ESCAP USAID, AusAID; một cơ quan đào tạo, nghiên cứu như: Diễn đàn các Trường đại học về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Indonesia (IUF-DRR), ADPC, Mạng lưới các Trường Trung Đại học về Môi trường và Quản lý thiên tai khu vực châu Á (hiện có 29 Trường tại 17 quốc gia), Công ty tái Bảo hiểm Munich, Học viên Ngân hàng châu Á và Đại học Peking – Singapore, Đại học Cambridge – Vương quốc Anh; bốn quốc gia là Việt Nam, Phillipine, Campuchia, Indonesia.

Tại cuộc họp, nhiều đánh giá và phương hướng đã được chia sẻ, thảo luận nhằm tìm hướng hợp tác củng cố cơ sở dữ liệu tại mỗi quốc gia, đồng thời liên kết và chia sẻ mức khu vực và thế giới thông qua nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ những cam kết của mỗi quốc gia.

Theo đánh giá của CRED, cơ quan phát triển và quản lý cơ sở dữ liệu thiên tai quốc tế (Emergency Events Database - EMDAT) trên 20 năm, do cơ sở dữ liệu có tầm vóc thế giới nên việc thu thập, phân tích những thiên tai nhỏ và mức ảnh hưởng của thiên tai trong mỗi quốc gia và đáp ứng những mong muốn, yêu cầu của người dùng vẫn là những hạn chế.

 
Chia sẻ với hội nghị các tổ chức cũng đã nêu lên những hạn chế, thách thức trong việc phát triển cơ sở dữ liệu (DesInventar) trong việc thu thập, phân tích số liệu, chất lượng số liệu; nội dung và mục tiêu khai thác mỗi tổ chức, quốc gia; ngôn ngữ, thuật ngữ; nguồn nhân lực và cơ sở vật chất mỗi quốc gia khác nhau.

Tại cuộc họp Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai đã nêu rõ Trung tâm đã có Bản ghi nhớ hợp tác với CRED năm 2010 trong việc hợp tác phát triển cơ sở dữ liệu thiệt hại do thiên tai; đồng thời Trung tâm cũng đã chia sẻ thực trạng công tác thu thập, phân tích số liệu thiệt hại, cơ sở dữ liệu đang áp dụng (DANA, DesInventar), những khó khăn, thách thức và hướng giải quyết, trong đó nêu lên một số điểm chính từng bước xây dựng một cơ sở dữ liệu thiệt hại tổng hợp, cụ thể:

1. Về thực trạng: Hiện trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đang sử dụng hai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu là DANA và DesInventar. Tuy nhiên việc liên kết giữa hai hệ thống này còn là câu hỏi cần có đánh giá và định hướng cụ thể.

2. Khó khăn, thách thức:

a) Số liệu:

- Số liệu còn thiếu, phân tán, không liên tục và quản lý chưa thành hệ thống.

- Số liệu thu thập chưa mang tính đại diện, chi tiết nên khó khăn trong phân tích, đánh giá.

- Số liệu mới chỉ tập trung tại cấp quốc gia, đối với cấp tỉnh còn thiếu và phân tán, đặc biệt cấp huyện, xã.

- Bảng thu thập số liệu còn quá phức tạp, khó khăn trong thu thập, cập nhật.

b) Cơ sở vật chất và nguồn lực:

- Tại cấp tỉnh, một số địa phương, lãnh đạo chỉ tập trung vào công tác ứng phó với thiên tai và cứu trợ sau thiên tai, chưa quan tâm đúng mức đến công tác thu thập và lưu trữ thông tin, số liệu thiệt hại.

- Hệ thống quản lý và khai thác thông tin tổng hợp chưa có mà còn mang tính tạm thời.

- Nguồn lực cho công tác này còn hạn chế, đặc biệt với cấp huyện, xã.

- Phân công trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa rõ ràng.

3. Hướng giải quyết:

- Xem xét lại Bảng thu thập số liệu phù hợp với từng cấp, đồng thời cần xem xét những chỉ số và cơ chế chia sẻ, khai thác số liệu tầm khu vực, thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

- Đánh giá khả năng của hai hệ thống để làm cơ sở định hướng xây dựng, nâng cấp một hệ thống thống nhất trong quản lý số liệu thiệt hại

- Phân công và có chế rõ ràng trong việc thu thập, khai thác số liệu và quản lý hệ thống thông tin thiên tai.

- Tăng cường trao đổi tầm khu vực, thế giới về khoa học công nghệ, kinh nghiệm để từng bước cơ sở dữ liệu tầm quốc gia có thể liên kết hợp lý với các cơ sở dữ liệu khu vực, thế giới.

- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để xây dựng nguồn nhân lực các cấp, trước mắt là cấp Trung ương và cấp tỉnh. Trên cơ sở kết quả giai đoạn đầu, tiến tới nghiên cứu phương thức cập nhật, khai thác thông tin phù hợp với nguồn nhân lực cấp huyện, xã sau khi được đào tạo, tập huấn.

Kết thúc cuộc họp, CRED đã tổng hợp các ý kiến kỹ thuật và xây dựng kế hoạch hợp tác trong những năm tiếp theo.

Về chuyên mục

Về đầu trang