Đảm bảo an toàn hồ Kẻ Gỗ trong mùa mưa bão

0:0:0, 13/09/2011 Công trình thủy nông Kẻ Gỗ là một trong 6 công trình được Bộ NN&PTNT xếp vào hàng trọng điểm cấp quốc gia. Tiềm năng và lợi ích của công trình ai cũng biết, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo an toàn tính mạng cho hàng chục vạn dân thành phố và các huyện lân cận khi mùa mưa bão cận kề.
Bài học nhỡn tiền xảy ra trong năm 2010 mang lại dấu ấn “để đời” cho đội ngũ những người chịu trách nhiệm quản lý công trình là nếu không có bản lĩnh xuất sắc trong việc điều tiết lũ vào thời điểm đó có thể xảy ra hai khă năng: hoặc hồ Kẻ Gỗ sẽ bị vỡ do quá tải, hoặc tính mạng của hàng chục vạn hộ dân sẽ bị uy hiếp bởi nguồn nước ‘kép”. Nhưng cả hai khả năng đã không xảy ra do mực nước xả bấy giờ chỉ đạt 582m3/s. Đó là tín hiệu mừng.
 
 
Vùng hạ du bị úng ngập khi hồ Kẻ Gỗ xả tràn trong trận lũ lịch sử năm 2010
 
Tuy nhiên 2 trận lũ khủng khiếp cũng để lại hậu quả khá nặng nề. Nhiều tuyến kênh mương bị phá hủy gây thiệt hại lên đến 3 tỷ đồng. Đến nay, nguồn kinh phí sửa chữa đơn vị mới nhận được 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, một số mố, máng dẫn nước trên kênh N1 nếu không kịp thời sửa chữa sẽ rất nguy. Không có kinh phí nhưng không thể “khoanh tay” đứng nhìn. Và, không thể để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, từ đầu năm, công ty đã trích ngân sách hạn hẹp để xử lý cánh cửa tràn Dốc Miếu, một số cột điện đường dây 500 KV bị hư hỏng nặng ở xã Cẩm Mỹ.

Tới đây, kết thúc vụ hè thu, Công ty sẽ tiến hành sửa chữa cánh cổng đóng nhanh cống Kẻ Gỗ bị kẹt. Tuy nhiên, việc sửa chữa cánh cổng này không ảnh hưởng lớn với công trình vì sử dụng hệ thống phai đóng kín

Năm nay, có thể Hà Tĩnh sẽ “đón” 5 cơn bão”. Đó là thông báo đầu năm của cơ quan khí tượng thủy văn. Trong khi, ông Phạm Đăng Nhật - Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy lợi Kẻ Gỗ bằng kinh nghiệm thực tiễn nhận định: “Sẽ không có những trận lũ tương tự năm 2010 xảy ra trong năm nay. Nói vậy nhưng trong bối cảnh hiện nay BĐKH đang là 1 trong 5 vấn đề lớn thách thức nhân loại thì không thể nói trước được điều gì. Điều không mong muốn biết đâu lại là sự thật”.

Do vậy, không phải bây giờ mà ngay từ đầu năm, cùng với việc kiểm tra khắc phục những hư hỏng sau lũ năm 2010, Công ty đã lên kế hoạch chi tiết. Cụ thể là, chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCLB với các huyện và thành phố: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh; dự kiến các tình huống, đồng thời đưa ra các kịch bản ứng phó và ứng cứu; chú trọng công tác điều tiết mực nước.

Toàn bộ lực lượng chủ công được 34 người đều được bố trí tại các “chốt’ trọng điểm, trong đó 14 người chịu trách nhiệm tại đập đầu mối. Lượng lượng này thường xuyên cắt cử trực 24/24 giò trong ngày vào mùa mưa lũ. 18 người, 2 thuyền nan thuộc đơn vị tự vệ tổ chức tuần tra trên các tuyến kênh mương lớn , nhỏ khác nhau

Đến thời điểm này, tại khu vực đầu mối, đã tập kết được 519m3 đá hộc, 45 m3 cát, 81m3 sỏi, 32 rọ thép, 22.000 bao tải. Ngoài ra, đơn vị còn ký kết hợp đồng với Ban Chỉ huy PCLB các huyện. Theo đó, huyện Cẩm Xuyên chịu trách nhiệm cung cấp lực lượng xung kích 700 người, 3.200 người tham gia ứng cứu , 1.400 cây tre, 14 thuyền máy. Huyện Thạch Hà cung cấp 1.900 bao tải, 2 xuồng, 190 áo phao, 21 ô tô…

‘Chế ngự thiên nhiên” là điều không thể, nhất là trong điều kiện kinh phí hạn hẹp. Nhưng với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt đội ngũ những người làm công tác vận hành bảo vệ một trong những công trình trọng điểm quốc gia có thể tự tin hơn khi mùa mưa bão đang hiện hữu.

Về chuyên mục

Về đầu trang