Đảm bảo giao thông mùa bão lụt

0:0:0, 16/09/2011 Trong và sau mỗi trận bão lụt, nhiều tuyến đường giao thông thường bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt giao thông thời gian dài. Chủ động đối phó, là việc làm cần thiết, không chỉ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt mà còn hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lụt gây ra.

Thiệt hại hơn 50 tỷ đồng

Kết thúc mùa bão lụt năm qua, thiệt hại gây ra đối với hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh ước tính hơn 50 tỷ đồng. Nhiều tuyến đường phía đông của tỉnh mặc dầu mưa đã ngớt nhưng vẫn còn ngập sâu. Các tuyến đường lên các huyện, xã miền núi bị sạt lở, cây cối ngã đổ. Có 40 tuyến đường tại thành phố Huế bị bùn lấp dày từ 0,3-0,5m gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, có hàng trăm tuyến đường bị mưa lũ làm bong tróc mặt đường. Nhiều cây cầu bị xói mố gây nguy hiểm cho người và phương tiện... Ông Nguyễn Ngọc Xê, Phó trưởng phòng Quản lý Giao thông Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh cho biết: - Nắm được quy luật diễn biến bão lụt, Sở GTVT đã chủ động đầu tư các công trình trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bão lụt, hoàn thành các hạng mục công trình trước mùa mưa bão nên mùa mưa bão qua đã giảm được hư hại đáng kể, giao thông sớm thông suốt trở lại...
 
 
Kiểm tra khắc phục hậu quả bão lụt năm 2010

Điều lo lắng nhất trong mùa mưa bão năm nay là các công trình đang triển khai thi công trên các tuyến độc đạo có thời gian hoàn thành sau mùa mưa bão. Công trình cầu Xước Dũ trên đường 12B là một ví dụ. Đây là tuyến đường chính nối vùng dân cư phía tây của tỉnh với thành phố Huế. Theo tiến độ thì đến cuối năm nay, cầu Xước Dũ mới hoàn thành đưa vào sử dụng; trong lúc, cây cầu tạm để đảm bảo giao thông thì rất yếu. Vị trí cầu Xước Dũ nằm ở ngã 3 sông Hương và sông Bạch Yến, mỗi trận lũ, rều rác, gỗ tấp về bên cầu rất nặng; dòng nước lại xiết... rất dễ cuốn trôi cầu, giao thông sẽ bị chia cắt. Một công trình khác cũng rất đáng quan tâm là công trình nâng cấp QL49A Huế-A Lưới, có thời gian hoàn thành vào năm 2013. Đây là tuyến đường vốn thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa. Giờ đây khoảng 20 km đoạn cuối tuyến đang được các đơn vị thi công bạt núi để mở rộng mặt đường, làm cho các mái taluy dương vốn đã yếu lại yếu hơn, nguy cơ sạt lở rất cao. Ông Dương Quang Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế lo lắng: - “Các đơn vị thi công trên đường 49 đều ở ngoài Bắc, sợ khi mưa bão, công nhân ra quê hết, nếu sạt lở lớn xảy ra, đơn vị quản lý khó đảm đương nổi...”(!).

Ông Nguyễn Ngọc Xê cho biết thêm: Tháng 6 vừa qua, Sở GTVT đã làm việc với các đơn vị thi công trên QL49A và UBND huyện A Lưới, yêu cầu phải có phương án đảm bảo giao thông cho QL49A trước, trong và sau bão lụt; sẵn sàng nhân lực và xe máy để giải tỏa đất đá khi sạt lở xảy ra. Ngoài QL49A, Sở GTVT cũng đã làm việc với các nhà thầu ở các công trình giao thông khác trên địa bàn. Nhìn chung, các nhà thầu; các đơn vị quản lý giao thông đều đã có phương án chuẩn bị, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
 

 Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị quản lý giao thông tăng cường các cột thuỷ chí tại các tuyến đường thường xuyên bị ngập lụt; có phương án rào chắn, bố trí người hướng dẫn giao thông ở các đoạn ngập sâu. Đoạn Quản lý Đường sông phối hợp với cảnh sát đường thuỷ, thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra, kịp thời ngăn chặn những hành vi chủ quan, nguy hiểm đến tính mạng khi tham gia giao thông trong lũ lụt; đồng thời, đảm bảo phương tiện thuỷ sẵn sàng điều động ứng cứu kịp thời.                                    

Nâng câp trên 50 tuyến đường

Để đảm bảo giao thông trong mùa bão lụt năm nay, công tác nâng cấp, sửa chữa thường xuyên đã được triển khai rất sớm. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch nâng cấp, sửa chữa thường xuyên năm 2011, tổng số trên 50 tuyến đường, với kinh phí hơn 34 tỷ đồng… Những tuyến đường thường bị ngập, sạt lở trong và sau mỗi trận lụt cũng được đầu tư nâng cấp lớn như: Đường 18 đi cầu Trường Hà, có tổng mức đầu tư hơn 155 tỷ đồng; đường 4 từ Hương Vinh đến Sịa, có tổng mức đầu tư hơn 27,5 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tuyến QL trên địa bàn cũng đang được Khu Quản lý Đường bộ IV đầu tư nâng cấp. Các tuyến đường này khi hoàn thành sẽ chấm dứt tình trạng sạt lở, ngập sâu trong và sau mỗi trận bão lụt...

Cùng với triển khai nâng cấp, gia cố hạ tầng giao thông để hạn chế thiệt hại khi bão lụt xảy ra, các phương án khắc phục kịp thời đảm bảo giao thông trong mọi tình huống đã được các đơn vị quản lý giao thông triển khai. Các vị trí xung yếu thường xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ như: Đèo La Hy, tràn Thượng Quảng, cầu Khe Lốt... trên đường 14; đèo Phú Gia, Phước Tượng, Hải Vân trên QL1A; các vị trí xung yếu trên QL49A Huế-A Lưới... đều có phương án bảo vệ và thông đường ngay sau khi sạt lở xảy ra. Hiện nay, các loại vật tư như đá hộc, rọ thép, ván gỗ, cưa, máy ủi, máy xúc... đều đã sẵn sàng; đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống!

Về chuyên mục

Về đầu trang