Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Võ Tấn Hà, UBND các quận, huyện và Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã tổ chức thực hiện phương án thoát nước tạm theo phân cấp quản lý, đặc biệt tại những khu vực dân cư hiện trạng chỉnh trang, các tuyến đường khu vực trung tâm TP bị ngập úng cục bộ.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, tuyến đường Lê Duẩn ngập không quá 30 phút, chiều sâu ngập không quá 20cm trong bão CONSON.
Đối với các vị trí, khu vực bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng do ảnh hưởng của các dự án, công trình đang thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh như Khe Cạn, tuyến kênh từ KCN Hòa Khánh ra sông Cu Đê…, các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án đã bố trí cán bộ thường xuyên trực tại công trình, xử lý đảm bảo thoát nước tạm thời.
“Đặc biệt, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đã tập trung xử lý bảo đảm thoát nước cho khu vực công trình hầm chui Trần Thị Lý liên quan đến tuyến công Mê Linh” – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Võ Tấn Hà nói.
Đối với các trạm bơm chống ngập (khu vực Thuận Phước, đường Trương Chí Cương, Nguyễn Xuân Nhĩ, khu vực K20, khu vực Đảo Xanh đầu cầu Trần Thị Lý...), Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã thông tắc lưới chắn rác, vận hành thử, bố trí nhân lực trực thường xuyên, theo dõi và xử lý kịp thời sự cố máy bơm bị hỏng.
Sở Xây dựng Đà Nẵng ghi nhận Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã phối hợp với các địa phương chuẩn bị máy bơm công suất lớn di động, hỗ trợ xử lý kịp thời cho các khu vực dân cư thấp trũng; hạ mực nước trong các hồ Công viên 29/3, Thạc Gián – Vĩnh Trung, hồ 3 Sen Vàng... xuống thấp nhất để dự trữ dung tích điều tiết, bảo đảm xử lý cho các khu vực lân cận như đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, tuyến cống sân bay ra đường Trưng Nữ Vương…
Ông Võ Tấn Hà nhận xét, qua bão CONSON cho thấy, với các giải pháp đồng bộ như trên, các vị trí xung yếu về thoát nước như khu vực đường Hải Hồ, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, Hà Huy Tập, Lê Đình Thám, đoạn cống từ sân bay ra đường Trưng Nữ Vương... đã được xử lý cơ bản hết ngập hoặc thời gian bị ngập không quá 30 phút, chiều sâu ngập không quá 20cm, ít ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.
Các lực lượng chức năng di dời người dân khỏi khu vực bị ngập lụt trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) trong bão CONSON.
Tuy nhiên Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng xác nhận còn một số khu vực bị ngập úng như Khe Cạn, đường Nguyễn Văn Linh, đường Kỳ Đồng, Kiệt 818 Trần Cao Vân, đường Lê Tấn Trung, khu vực xung quanh đồi Trung Sơn… do chưa thi công hoàn thành các dự án liên quan.
“Đặc biệt, qua rà soát thì vẫn còn tình trạng đọng nước, ngập úng cục bộ trên các tuyến đường Hải Hồ, Nguyễn Hanh, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Yên Thế - Bắc Sơn… do người dân bịt cửa thu nước, rác chặn cửa thu nước, hạn chế khả năng thoát nước mặt đường” – Ông Võ Tấn Hà nói.
Để bảo đảm thoát nước trong thời gian tới, ngày 14/9, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có Công văn 7043/SXD-HTKT đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tiến hành rà soát, tổng hợp các điểm ngập úng, chủ động xử lý ngập úng đối với các khu vực thuộc địa bàn quản lý.
Đối với các khu vực ngập úng lớn, vượt quá thẩm quyền mà TP chưa có phương án xử lý, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện và Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đề xuất sơ bộ phương án xử lý và khái toán kinh phí đầu tư, gửi Sở Xây dựng trước ngày 15/9 để tổng hợp, báo cáo UBND TP Đà Nẵng.
Đồng thời Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia cùng các đơn vị thoát nước vớt rác, khơi thông cửa thu nước trước và trong lúc mưa để bảo đảm thoát nước mặt đường, tránh tái diễn tình trạng đọng nước, gây ngập úng cục bộ trên các tuyến đường, tại các khu dân cư.