Greenland, đảo băng lớn nhất hành tinh, được bao phủ bởi một lớp băng có độ dày vài trăm mét. Lớp băng này hình thành sau nhiều thiên niên kỷ. Do nhiệt độ trên bề mặt trái đất tăng dần, lượng băng tan chảy hàng năm trên đảo ngày càng lớn.
Lớp đá bên dưới băng chìm xuống sâu hơn bởi khối lượng của băng. Nhưng khi băng tan, khối lượng của lớp băng giảm dần và lớp đá nhô lên.
Một số trạm định vị toàn cầu qua vệ tinh (GPS) của Mỹ được đặt trên Greenland. Chúng phát hiện mỗi năm lớp đá bên dưới băng nhô lên thêm khoảng 15 mm, Livescience đưa tin.
Vào năm ngoái, sự tăng vọt của nhiệt độ khiến lớp đá nhô lên thêm 20 mm chỉ trong vòng 5 tháng - một tốc độ đáng kinh ngạc đối với giới khoa học.
Michael Bevis, một nhà nghiên cứu của đại học Ohio tại Mỹ, tin rằng lớp đá nhô lên quá nhanh do lượng băng bị tan chảy tăng vọt.
“Tôi không thể tìm ra lời giải thích nào khác”, ông phát biểu trong hội nghị thường niên của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ tại thành phố San Francisco hôm qua.
Tổ chức Khí tượng Thế giới từng xác nhận 2010 là năm nóng nhất kể từ khi Liên Hợp Quốc theo dõi nhiệt độ trung bình thường niên. Nhiệt độ trung bình năm ngoái cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1961-1990.
Nhiều dữ liệu cho thấy nửa phía nam của Greenland mất thêm 100 tỷ tấn băng trong năm 2010. Do tầng đất phía trên lớp đá khá mềm, Bevis và các đồng nghiệp có thể tính toán khối lượng của lớp băng dựa vào nếp oằn của tầng đá. Việc này giống như nén một lò xo trong chiếc cân để đo khối lượng của người đứng phía trên cân.