Di dân mùa bão lũ là giải pháp tình thế

22:29:0, 23/11/2011 Chiều 23/11, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Đại biểu Đồng Hữu Bảo (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị có giải pháp căn cơ hơn để nông dân sống an toàn hơn để đối phó với bão lũ. Đồng tình với đại biểu về việc di dân mùa bão lũ là giải pháp tình thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc làm nhà cao tránh lũ chỉ là một trong những giải pháp đối phó hiệu quả với bão lũ khu vực miền Trung, vì thế cần có nhiều giải pháp hơn bao gồm xây dựng cộng đồng hỗ trợ nhau, tuyên truyền phổ biến cho nhân dân kiến thức phòng chống và xây dựng hạ tầng để hỗ trợ cho việc phòng chống thiên tai.

Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đề nghị cho biết về chủ trương giải pháp chống sạt lở và nâng cấp quốc lộ chắn sóng gây ngập lụt, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN-PTNT đã rà soát phân loại, thống kê để có giải pháp phù hợp cho từng nhóm, địa điểm sạt lở. Tập trung xử lý các nơi nhạy cảm nhất, xung yếu nhất. Về giải pháp cho việc nâng cấp quốc lộ tạo thành đê gây ngập lụt, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ GT-VT rà soát các quy hoạch, thiết kế những công trình giao thông và tuyến đê biển. Tuy nhiên, tất cả công trình có giới hạn nhất định. Vì thế, phải áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống thiên tai.

Người dân cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP HCM) nêu ý kiến, biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng đến nông thôn và vùng ven biển. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, biến đổi khí hậu là quá trình không thể đảo ngược, nước ta sẽ bị ảnh hưởng nặng so với các nước khác. Để đối phó hiệu quả vấn đề này, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, thông qua chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu môi trường. Riêng ngành NN-PTNT rà soát quy hoạch hệ thống thủy lợi các khu vực đồng bằng sông Hồng, Cửu Long, duyên hải miền Trung. Cùng với đó là xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế xanh và tuyền truyền để toàn dân cùng hệ thống chính trị thực hiện. Tuy nhiên, còn nhiều giải pháp cụ thể khác và ngành NN-PTNT đang triển khai rà soát, xây dựng các công trình thủy lợi, trong đó có hệ thống đê sông, đê biển, đặc biệt là hệ thống đê ở Đồng bằng sông Cửu Long-nơi được dự báo nước biển dâng 1m thì 40% diện tích vùng này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Quản lý chặt hóa chất trong nông nghiệp

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn Bạc Liêu) về lạm dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp và trách nhiệm, giải pháp trong vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN-PTNT hết sức chú ý và liên tục chỉ đạo việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp sản phẩm nông nghiệp làm trọng tâm hoạt động. Bộ đôn đốc kiểm tra giao nhiệm vụ triển khai thực hiện tăng cường quản lý chất lượng. Tuy nhiên, những biện pháp chỉ đạo chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, cho thấy công tác này của ngành nông nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh hơn. Các giải pháp được Bộ đưa ra là tăng cường quản lý hóa chất từ nguồn từ nhập khẩu, chỉ cho phép hóa chất được kiểm nghiệm an toàn vào nội địa; công bố danh mục được dùng và bị cấm… Bộ cũng đã ban hành thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn để quản lý sản xuất trong nước và hiện nay đang tích cực chỉ đạo đồng loạt kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp và phân loại A (đạt), B (sơ suất nhỏ), C (sơ suất nghiêm trọng nếu không khắc phục sẽ phải đóng cửa); Bộ cũng đưa ra các quy trình sản xuất tốt và hướng dẫn bà con về cách sử dụng phù hợp...

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Phụng (đoàn TP HCM) về quản lý giá thức ăn gia súc, Bộ trưởng Cao Đức cho biết, Bộ NN-PTNT phối hợp với ngành Tài chính chủ yếu theo dõi cung cầu trong nước và cùng Bộ Công thương sử dụng các biện pháp điều hành, để đảm bảo bà con được hưởng mức giá thấp nhất có thể trong điều kiện kinh tế thị trường mở. Đối với những loại nhập khẩu, giá trong nước phải sát giá thế giới, nếu loại giá nào có khoảng cách so với các nước trong khu vực sẽ chỉ đạo điều chỉnh sát gần nhau. Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất nguyên liệu trong nước, đặc biệt là ngô và một số nguyên liệu thức ăn khác. Việc các doanh nghiệp nước ngoài chiếm thị phần lớn, chúng ta cần triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia sản xuất cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài./.

Về chuyên mục

Về đầu trang