Đổi mới nội dung các bản tin dự báo thời tiết

14:59:0, 27/01/2012 Lâu nay, độ chính xác của bản tin dự báo thời tiết, nhất là khi thời tiết nguy hiểm được dư luận rất quan tâm. Ngoài việc tăng cường độ chính xác của dự báo cũng cần được khai thác, sử dụng bản tin thời tiết một cách có hiệu quả nhất.

Những thách thức của công nghệ dự báo

Tại cuộc hội thảo phối hợp đưa tin dự báo khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng mới đây, ông Bùi Minh Tăng – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, nhiều hiện tượng thời tiết đến nay vẫn thách thức các nhà dự báo khí tượng thế giới. Bởi thế mới có chuyện một cơn bão mà 5 trung tâm dự báo của 5 quốc gia có 5 kết quả khác nhau.

Ví dụ cụ thể: cơn bão số 4 (Haitang) xuất hiện vào tháng 9/2011, các trung tâm khí tượng của Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ cho các kết quả dự báo rất khác nhau với mức sai lệch từ 100-150 km. Ví dụ khác là cơn bão Irene tại nước Mỹ, dự báo cho rằng đây là siêu bão cấp 11 với sức giáo mạnh nhất đạt ít nhất là 110 dặm/ giờ, thực tế, khi bão đổ bộ tốc độ gió cực đại chỉ có 85 dặm/giờ (cấp 9).

Hay phương pháp sử dụng kết quả của một năm có hình thế thời tiết tương tự trước đó để dự báo đôi khi cho những kết quả rất tréo ngoeo. Ông Tăng dẫn chứng, mùa đông xuân năm 2004-2005, 2006-2007 và 2007-2008 có những dấu hiệu tương tự, song về nhiệt độ lại cực kỳ khác biệt, một năm trung tính, một năm cực nóng và một năm cực lạnh.

Hiện nay, các dự báo viên của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương sử dụng nhiều phương pháp trong việc dự báo khí tượng hạn vừa như phương pháp synốp truyền thống, kết quả của các mô hình số trị. Ông Tăng cho rằng, việc có được nhiều sản phẩm dự báo số trị để tham khảo là một thuận lợi cho các dự báo viên, song nhiều khi, kết quả của các mô hình tính toán đó lại không thống nhất.

Với điều kiện công nghệ, nhân lực hiện nay, chúng ta có thể tính toán khả năng của lũ sẽ xảy ra trong tương lai với thời gian không quá 2 ngày, tùy vào từng lưu vực sông. Riêng việc cảnh báo lũ nguy hiểm thì khó khăn hơn bởi phần lớn các sông suối nước ta đều ngắn và dốc, địa hình chia cắt nên thường thời gian dự kiến của dự báo phần lớn trên các sông (trừ sông Cửu Long) thường từ 6 đến 48 giờ với độ tin cậy khoảng 80%. Đối với sông nhỏ, dốc như ở vùng núi, miền Trung, thời gian dự kiến chỉ dưới 6 giờ.

Đối với lũ quét, chúng ta chưa thể dự báo mà chỉ có thể cảnh báo nguy cơ. Còn dự báo hạn thì hiện chúng ta chưa tìm được mô hình hoặc công nghệ nào có độ chính xác mong muốn…

Đổi mới nội dung bản tin và quy trình đánh giá dự báo

Để giải quyết những thách thức, ngành KTTV phải từng bước nâng chất lượng dự báo, đồng thời các đơn vị sử dụng bản tin dự báo cũng cần linh hoạt, cập nhật bản tin để kịp thời điều chỉnh các quyết định liên quan.

Buổi hội thảo là cơ hội chia sẻ giữa những người làm dự báo và các cơ quan truyền thông đại chúng, nhằm tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng, nâng cao hiệu quả truyền thông cũng như mang những thông tin thời tiết gần hơn với công chúng.

Đối với cơ quan KTTV, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện đại hóa công nghệ dự báo, tăng mật độ mạng lưới trạm, đồng thời trong năm 2012, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương sẽ thí điểm dự báo hạn dài (10 ngày) cho các thành phố lớn thay vì dự báo hạn ngắn (3-4 ngày) như hiện nay. Quy trình đánh giá dự báo cũng được đổi mới nhằm nâng chất lượng các bản tin.

Các cơ quan truyền thông cũng chia sẻ những khó khăn của ngành, đồng thời mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đưa tin và đề nghị cơ quan KTTV cần cải tiến, đổi mới nội dung, đa dạng các bản tin dự báo và các sản phẩm dịch vụ./.

Về chuyên mục

Về đầu trang