Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó hạn, mặn

8:0:0, 24/02/2023 Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, hạn, mặn hằng năm gây thiệt hại không nhỏ ở khu vực này. Từ thực tế, các địa phương Tây Nam Bộ đã chủ động hơn trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, dần thích nghi với hạn, mặn.


Nông dân huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) trồng màu trên đất giồng cát và tưới tiết kiệm từ nguồn nước của hồ trữ nước Long Sơn.

Bài 1: Thích nghi dần với hạn, mặn

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, hạn, mặn bắt đầu diễn ra và trực tiếp ảnh hưởng nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nhờ chủ động trữ nước, đầu mùa khô năm nay, mực nước nội đồng nhiều nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất dồi dào.

Nguồn nước ngọt dồi dào là điều kiện thuận lợi để nông dân thu hoạch dứt điểm diện tích lúa đông xuân 2022-2023, tưới tiêu cho rau màu và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong mùa khô.

Chủ động trữ nước

Ðến vùng "ngọt hóa" Gò Công (Tiền Giang), nơi hạn, mặn thường uy hiếp mỗi khi mùa khô đến, vẫn còn mênh mông nước ngọt. Ðây là hiệu quả từ sự chủ động trữ nước từ rất sớm ở các tuyến kênh chính và nội đồng thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Ðông và thị xã Gò Công. Các ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch phải gia cố thêm bờ bao để tránh nước tràn vào bên trong.
Bà Nguyễn Thị Lượm ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết: "Sáu công lúa của gia đình tôi đang chín và còn cần nguồn nước ngọt hơn 10 ngày nữa. Mấy hôm nay, tôi nghe đài báo nước mặn đã tăng cao và xâm nhập sâu, nhưng thực tế tại đây, nguồn nước trên các kênh, rạch còn khá nhiều cho nên vẫn hy vọng sẽ "thắng" vụ mùa này".
Kênh Champeaux thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Ðông (Tiền Giang) dẫn nước ngọt về tận đê biển. Thời điểm này của những năm 2016-2017 và 2019-2020, dòng nước đã cạn khô. Năm nay, mực nước dưới kênh còn khá cao, lấp xấp các mé ruộng.
Tranh thủ trữ nước ngọt để trồng rau màu dưới chân ruộng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều nhà nông ở Sóc Trăng tiếp tục có thêm vụ mùa thắng lợi sau vụ lúa. Ông Lý Khôn ở ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho biết: "Trồng 1 công bắp cải dịp Tết cho thu hoạch được 4 tấn, trừ chi phí, gia đình tôi có lãi khoảng 10 triệu đồng. Sau lứa Tết, tôi đã làm xong đất và tiếp tục trồng bắp cải để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình".
Thời điểm đầu mùa khô này, các nhà vườn ở xã cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) khẩn trương tưới đủ nước cho vườn cây, đồng thời trữ nước ngọt để sử dụng trong những ngày nước mặn xâm nhập. Ðặc sản ở đây là sầu riêng, loại trái cây đang có giá trị cao nhất ở khu vực này.
Ông Phẩm Văn Tiếu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng ở ấp Lăng, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) cho biết, tổ hợp tác hiện có 44 hộ tham gia với diện tích 250 công (25ha). Hiện, sầu riêng của tổ hợp tác có nhiều lứa, có vườn đang cho trái sắp thu hoạch, có vườn đang ra hoa… So với những năm trước, nước mặn năm nay có phần đến trễ hơn nhưng không còn là nỗi lo của bà con nhà vườn nhờ có hệ thống trữ nước trong mương, thông tin cảnh báo được cập nhật thường xuyên và nhất là nhờ các cống, đập ngăn mặn lớn đã phát huy tốt hiệu quả.
Ở xứ dừa Bến Tre, nước nội đồng đang khá dồi dào nhờ người dân chủ động tích trữ và hệ thống thủy lợi khép kín tại các vùng sản xuất. Ông Nguyễn Văn Liệt chuyên sản xuất cây giống ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, bây giờ nhà nào cũng lót bạt trong mương vườn để trữ đầy nước ngọt. Khi nước ngoài sông mặn thì lấy phần nước trữ lại để tưới cho cây giống.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm (Bến Tre) Phạm Vũ Phong cho biết, nước ngoài sông độ mặn khoảng 3 đến 5 phần nghìn, còn nội đồng đã có đê bao khép kín nên độ mặn chỉ khoảng 0,5 phần nghìn, không ảnh hưởng đến sản xuất. Ngành nông nghiệp theo dõi sát tình hình để hướng dẫn người dân chủ động ứng phó…


Cống ngăn mặn tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre được vận hành phục vụ sản xuất của người dân. 

Sẵn sàng kích hoạt các kịch bản ứng phó

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền nam, mùa mưa vừa rồi kết thúc muộn kết hợp với triều cường cao dẫn đến tổng lượng dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, hiện tượng xâm nhập mặn còn phụ thuộc nhiều vào vận hành tích, xả nước của các nhà máy thủy điện đầu nguồn. Năm nay, nước nội đồng vẫn còn nhiều và độ mặn trên các sông cũng thấp hơn mọi năm, vì vậy, các trà lúa đông-xuân muộn vẫn tốt và các vườn cây ăn trái vẫn bảo đảm đủ nước tưới.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh Lê Phước Dũng cho biết, dự báo, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 2 đến tháng 4/2023 tương đương trung bình nhiều năm. Mặn bắt đầu xâm nhập tỉnh Trà Vinh từ nửa cuối tháng 12/2022 và kéo dài đến hết tháng 5/2023. Ðộ mặn cao nhất và xâm nhập sâu nhất sẽ xuất hiện trong các tháng 2, 3/2023 với dự báo 4 phần nghìn, có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 54-68km…
Tại Vĩnh Long, các năm trước, khi mặn xâm nhập sâu nông dân trở tay không kịp, hàng trăm héc-ta vườn cây ăn trái bị thiệt hại nặng nề. Nay, người dân không còn lo lắng nhờ hệ thống cảnh báo CMS đến tận ấp, khóm để chủ động ứng phó và hệ thống đê bao khép kín, góp phần giảm đáng kể thiệt hại mỗi khi có mặn xâm nhập.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận cho biết, tỉnh Vĩnh Long đưa ra ba kịch bản ứng phó hạn, mặn. Tỉnh xác định phải bảo đảm nước tưới cho 45.000ha lúa, hơn 22.800ha cây màu vụ đông-xuân 2022-2023; hơn 41.000ha lúa và hơn 19.000 ha cây màu vụ hè-thu 2023; hơn 68.300ha cây ăn trái lâu năm hiện có trong tỉnh. Cùng với đó, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tỉnh, nhất là cho hơn 12.700 hộ dân ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng.
Tháng 8/2022, tỉnh Trà Vinh đưa vào vận hành trạm bơm kênh 3 tháng 2 tại xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần. Trạm bơm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước ngọt cho 25.936ha đất sản xuất nông nghiệp tại các huyện Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi. Trạm bơm này cũng cung cấp nước ngọt phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện tại thị xã Duyên Hải và Khu kinh tế biển Ðịnh An.
Ngay từ cuối năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã chủ động xây dựng kế hoạch và các kịch bản để ứng phó tình hình xâm nhập mặn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Ðức cho biết, sở đã thành lập tổ công tác để phối hợp cùng các địa phương theo dõi, chuyển tiếp các thông tin dự báo, diễn biến tình hình thiên tai, nhất là diễn biến xâm nhập mặn, từng lúc, kịp thời tham mưu lãnh đạo tỉnh trong công tác chỉ đạo các ngành, địa phương có biện pháp phòng tránh, ứng phó phù hợp tình hình thực tế.
Những năm trước đây, Tiền Giang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là hạn, mặn mỗi khi mùa khô đến. Sau Tết Nguyên đán 2023, nước mặn tăng đột biến, lấn sâu vào nội đồng. Các đơn vị chức năng và người dân trong tỉnh luôn theo dõi sát sao diễn biến tình hình để ứng phó hiệu quả. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh: "Chúng ta đã xây dựng kịch bản từ sớm và rất chi tiết, nước mặn đến đâu ứng phó đến đó. Hiện, hệ thống thủy lợi của Tiền Giang gần như hoàn chỉnh, khép kín. Vì vậy, những nơi nào nước mặn đã lên đến thì cho đóng các cống ngăn mặn; những khu vực bị nước mặn gần "uy hiếp" thì tranh thủ lấy nước ngọt hết mức để tích trữ phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân…".

(Nguồn: nhandan.vn)

Về chuyên mục

Về đầu trang