Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu |
Phát biểu tại Phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, thiên tai và biến đổi khí hậu tác động mạnh nhất đến các cộng đồng dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao, các hộ dân nghèo và người nông dân. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai phải được thực hiện từ cộng đồng, dựa vào cộng đồng và làm lợi cho cộng đồng.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, tác động của biến đổi khí hậu trong 10 năm trở lại đây ngày càng tăng và ước tính thiệt hại tài sản chiếm khoảng 2% GDP. Trong tương lai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Nhận thức rõ ảnh hưởng đó, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý. Sau Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu với tầm nhìn gần 100 năm. Đây là cơ sở cơ bản để rà soát, bổ sung các chiến lược, quy hoạch hiện nay và trong tương lai của Việt Nam cho phù hợp với điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Ủy ben Quốc gia cũng được thành lập, thể hiện cam kết nỗ lực của Chính phủ và nhân dân VN cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời là cơ hội để Việt Nam thay đổi các mô hình phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát triển |
Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu là xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an ninh xã hội, sức khỏe, nâng cao đời sống bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực ứng phó của các bên liên quan.
“Dựa trên mục tiêu đó, Chiến lược tập trung xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đó là cộng đồng có nhận thức về biến đổi khí hậu, có kiến thức bản địa ứng phó với biến đổi khí hậu, có hành vi thân thiện môi trường và khí hậu, nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là áp dụng các biện pháp tại chỗ nhằm đảm bảo quyền lợi của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói. Bên cạnh đó là các giải pháp giám sát biến đổi khí hậu, tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai…
Bộ TN&MT đánh giá cao Hội nghị quốc tế lần này, coi đây là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội Việt Nam và quốc tế thảo luận, phổ biến các bài học kinh nghiệm để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ban tổ chức mong muốn, gần 200 đại biểu quốc tế sẽ thảo luận, chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong hợp tác và phối hợp huy động các nguồn lực; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong công tác lập kế hoạch nâng cao sự chủ động trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức và đào tạo tốt hơn nguồn nhân lực từ đó hỗ trợ tốt hơn cho người dân để chủ động phòng chống và giảm nhẹ tác động do thiên tai gây ra…
Hàng loạt các vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu được Diễn đàn thảo luận theo nhóm. Đó là các chủ đề: Truyền thông biến đổi khí hậu; Trẻ em – người định hướng cho những thay đổi; Thủy lợi; Thực tiễn thích ứng biến đổi khí hậu và truyền thông báo chí; Tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng; Lồng ghép thích ứng dựa vào cộng đồng trong hoạch định chính sách; Giới; Thích ứng dựa vào hệ sinh thái; Cộng đồng dễ bị tổn thương và người dân bản địa; Khía cạnh kinh tế của thích ứng dựa vào cộng đồng; Nông nghiệp; Giảm thiểu rủi ro; An ninh lương thực và dinh dưỡng; Thích ứng khu vực thành thị; Sức khỏe; Công cụ truyền thông; Những thách thức mới.