Gói 4.000 tỉ đồng chống sạt lở cấp bách ở ĐBSCL được triển khai thế nào?

11:0:46, 06/12/2023 Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh thành vùng ĐBSCL để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Hiện các địa phương đang khẩn trương triển khai theo số vốn được phân bổ.


Hệ thống kè đã góp phần ngặn chặn tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở các xã ven biển huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Nguyên Anh

Sử dụng vào các công trình cấp bách

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, nhiều khu vực bờ biển của xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) không còn rừng phòng hộ, có đoạn đai rừng còn rất mỏng nên sóng biển thường xuyên uy hiếp hệ thống đê biển.

Để bảo vệ đê biển, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp công trình để xử lý sạt lở cấp bách bờ biển. Trong đó, ngoài Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đê biển với chiều dài 33km còn có nhiều công trình, dự án từ nguồn vốn Trung ương hiện vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - thông tin: Với số vốn 300 tỉ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương, tỉnh sẽ thực hiện xây dựng 6,5km đê biển tại xã Vĩnh Hải (Công trình Dự án Phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu). Địa điểm triển khai dự án nằm ở khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm cần được gia cố khẩn cấp nhằm phòng, chống thiên tai, bảo vệ rừng phòng hộ.

Tại Bến Tre, ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - cho biết, kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 134km. Trong đó, điểm nóng là dọc theo bờ sông Giao Hòa (huyện Châu Thành) và bờ biển tại huyện Ba Tri.

Ông Thắm thông tin, với nguồn vốn phân bổ cho tỉnh là 300 tỉ đồng, địa phương sẽ ưu tiên 100 tỉ đồng cho dự án chống sạt lở bờ sông Giao Hòa tại xã Giao Long, huyện Châu Thành và 200 tỉ đồng cho dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Ba Tri.

Với việc được bổ sung 250 tỉ đồng, Cần Thơ dự tính thực hiện công trình Kè chống sạt lở sông Ô Môn - đoạn từ vàm Ba Rích đến rạch Tầm Vu (quận Ô Môn).

Theo ông Nguyễn Quí Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, công trình này nhằm phòng, chống sạt lở, giữ ổn định bờ sông Ô Môn, bảo đảm an toàn, ổn định lâu dài cho các hộ dân đang sinh sống trong khu vực. Đây là tuyến sông chính có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông đường thủy của thành phố.


Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang

Người dân phấn khởi

Ông Trần Ken - một hộ dân sinh sống ven biển thuộc xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) - chia sẻ: Những năm gần đây sóng biển đánh mạnh vào chân đê, ăn sâu vào đất liền, nhất là khu vực bãi biển Hồ Bể nên bà con rất lo sợ. Khi biết thông tin địa phương thực hiện dự án Phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển tại đây, bà con đều rất vui mừng.

Ông Nguyễn Văn Mầu (xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Gia đình tôi sinh sống ở gần điểm sạt lở nên rất lo sợ. Chỉ mong chính quyền địa phương sớm triển khai xây dựng các công trình đê chắn sóng để an tâm hơn”.

Anh Võ Thanh Tùng ở xã Vân Khánh (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: Trước đây, khi triều cường dâng cao, gió lớn làm sạt lở tuyến đê biển, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đất nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Từ khi bờ kè tạo bãi nên sóng ít đánh vào chân đê, một số đoạn đã trồng được rừng lấn ra biển, đai rừng bắt đầu phục hồi.

“Mong ngành chức năng sớm có giải pháp làm các đoạn kè còn lại để dân yên tâm sản xuất. Nay nghe Chính phủ hỗ trợ thêm cho Kiên Giang kinh phí để làm kè chống sạt lở, người dân cũng an tâm phần nào" - anh Tùng phấn khởi nói.

Ngày 8.10.2023, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng ĐBSCL để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cụ thể, bổ sung cho Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long (mỗi tỉnh 500 tỉ đồng); Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng (mỗi tỉnh 300 tỉ đồng); An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An (mỗi địa phương 250 tỉ đồng); Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh (mỗi tỉnh 200 tỉ đồng).

Không thể xây kè hết các điểm sạt lở, chỉ làm ở những vị trí khẩn cấp

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, trong 10 tháng năm 2023, Cần Thơ xảy ra 39 vụ sạt lở ở 7 quận, huyện gồm: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.

Tổng chiều dài các điểm sạt lở gần 2.100m, thiệt hại tài sản ước tính hơn 30 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ sạt lở trên các tuyến sông ở Cần Thơ tăng 30 vụ. Đặc biệt, 35 vụ sạt lở xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7.2023 (chiếm gần 90% số đợt sạt lở từ đầu năm 2023).

Khảo sát thực địa tình hình sạt lở, ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho rằng, nếu xây kè hết các điểm sạt lở thì kinh phí không thể kham nổi mà chỉ làm ở những vị trí khẩn cấp. Theo ông Hiếu, đối với những điểm sạt lở gây mất đường giao thông thì cần nhanh chóng khắc phục để đảm bảo việc đi lại của người dân. Khi làm đường cần kết hợp mở rộng mặt đường so với trước đó, vừa khắc phục sạt lở, vừa kết hợp chỉnh trang đô thị để người dân có thể kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế của địa phương.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cũng đề nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để giải ngân 250 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương vừa bổ sung cho các địa phương ĐBSCL phòng, chống sạt lở; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.

Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh chính thức có văn bản xin Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau trên 2.070 tỉ đồng để khắc phục sạt lở bờ biển. Thực tế, tỉnh được bổ sung 500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.

Bờ biển Đông tỉnh Cà Mau dài 69,450km, đang bị sạt lở (sạt lở đặc biệt nguy hiểm 29,15km; sạt lở nguy hiểm 40,3km), cần có các giải pháp, công trình bảo vệ phòng, chống sạt lở trong thời gian tới. Tuy nhiên do quy mô sạt lở quá lớn, tính chất phức tạp nên hiện còn rất nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng chưa xử lý vì thiếu kinh phí.

Xem bài viết gốc tại đây

(Nguồn: laodong.vn)

Về chuyên mục

Về đầu trang