Rừng phòng hộ được tái sinh nhờ kè chắn sóng ven biển Tây Cà Mau, đoạn thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh.
Nhờ kết hợp đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình mà bên trong kè chắn sóng ven biển Cà Mau đã hình thành bãi bồi, điều kiện lý tưởng để cây rừng tái sinh. Thời gian tới, bên trong những hàng kè chắn sóng mới làm sẽ có thảm rừng dày đặc, đủ sức bảo vệ đê biển trước sóng to, gió lớn.
Nhờ kết hợp đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình mà bên trong kè chắn sóng ven biển Cà Mau đã hình thành bãi bồi, điều kiện lý tưởng để cây rừng tái sinh. Thời gian tới, bên trong những hàng kè chắn sóng mới làm sẽ có thảm rừng dày đặc, đủ sức bảo vệ đê biển trước sóng to, gió lớn.
Hơn chục năm trước, đê biển Tây Cà Mau trong tình trạng trơ trọi, không còn rừng phòng hộ phía ngoài, bị sóng dữ tấn công trực diện, nguy cơ vỡ đê luôn hiện hữu. Trong tình huống khẩn cấp, tỉnh đã huy động một lượng lớn nhân lực, vật tư... tham gia hộ đê. Tại những vị trí đê sắp vỡ như Hương Mai (năm 2002), Rạch Dinh (năm 2010), lực lượng làm nhiệm vụ dùng cừ tràm, cừ dừa cắm xuống biển nhằm ngăn sóng áp bờ đánh trực diện vào thân đê.
Tuy vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, những loại cừ trên bị sóng dữ quật ngã. Các kỹ sư chuyên trách về đê điều và thuỷ lợi địa phương nghĩ ra cách dùng kè rọ đá thả xuống biển áp sát thân đê. Tuy nhiên, chỉ sau hai ba mùa biển động, nhiều đoạn kè rọ đá đã bị oxy hóa, đứt mối nối, chịu chung “số phận” như những đoạn kè bằng gỗ.
Trong thời gian chờ “cứu viện” từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia thủy lợi Cà Mau mày mò, nghĩ ra cách ứng phó mới nhằm giảm bớt sự tàn phá của sóng dữ, nhưng không phải lùi con đê hiện hữu vào phía trong nội đồng. Đó là cách cắm hai hàng cọc bê-tông nằm song song phía xa ngoài đê, bỏ đá vào giữa, sau đó gắn kết chúng bằng những đà chịu lực. Giải pháp công trình trên được gọi là “kè bê-tông ly tâm dự ứng lực”.
Từ một vài đoạn thí điểm ban đầu, sau thời gian kiểm chứng và nhận thấy mang lại kết quả tốt, Cà Mau dần áp dụng đại trà cho nhiều vị trí sạt lở rất xung yếu ven bờ biển Tây, ưu tiên tại những nơi không còn cây rừng phòng hộ, áp lực vỡ đê cao. “Từ hồi có kè biển ngoài đê, tôi thấy sóng biển vào bờ yếu hơn, bên trong kè bồi tụ nhiều đất bùn, lâu ngày cây rừng tái sinh rồi thành những thảm rừng xanh tươi như bây giờ. Cũng nhờ vậy, gia đình tôi sinh sống phía sau đê bớt lo sợ sóng dữ gây vỡ đê”, ông Nguyễn Minh Chiến, hộ dân có hơn 1ha đất sản xuất, sinh sống hơn 40 năm ở ấp 8, xã Khánh Tiến, huyện U Minh cho biết.
Đến nay, tại Cà Mau có không ít công trình kè biển dọc theo tuyến đê bờ biển Tây. Phần nhiều trong số đó là “kè bê-tông ly tâm dự ứng lực”, trải dài từ Mũi Cà Mau về tận xã Khánh Tiến, khu vực giáp ranh với tỉnh Kiên Giang.
Tùy theo mức độ và thời gian hoàn thành khác nhau, phía sau các công trình kè giờ đã có các thảm rừng tái sinh. Tại khu vực ven biển thuộc huyện U Minh, nơi làm kè biển thí điểm đầu tiên ở Cà Mau, thảm rừng đã mọc xanh tốt từ kè đến tận chân đê. Chúng được xem là “tấm áo giáp” vững chắc bảo vệ an toàn cho đê biển Tây.
Theo ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Quản lý đê điều Cà Mau, từ xưa, cây rừng được xem là “đội quân” tiên phong để chắn sóng, giảm sạt lở ở vùng ven biển. Tuy nhiên, sẽ rất khó mang cây mắm, cây đước ra trồng ở ven biển, nhất là khi bãi biển đã bị sạt lở sâu, không còn bãi bồi. “Cây mắm, cây đước non tuổi không những không trụ được trước áp lực sóng to luôn dội bờ, mà khả năng cao sẽ bị cuốn phăng ra biển. Khi có kè giảm sóng che chắn phía bên ngoài, bên trong kè, phù sa sẽ lắng tụ, lâu ngày thành bãi bồi tạo điều kiện để cây rừng tái sinh, phát triển thành rừng phòng hộ bảo vệ đê trước sóng dữ, triều cường”, ông Đông quả quyết.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Bờ biển toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long dài hơn 740km, Cà Mau là nơi có đường bờ biển dài nhất với hơn 250km. Đây cũng là địa phương duy nhất trong khu vực có đến ba mặt giáp biển, từ lâu là “điểm nóng” về tình trạng sạt lở do tác động cực đoan từ các hình thái của biến đổi khí hậu.
Sạt lở diễn ra quanh năm, rừng phòng hộ bị phá hủy nghiêm trọng nên đường bờ biển lấn nhanh về phía đất liền. Thống kê của ngành lâm nghiệp tỉnh cho thấy, chỉ trong 10 năm (2011-2021), Cà Mau bị sạt lở làm mất rừng ven biển với diện tích hơn 5.200ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh), tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188km trên tổng chiều dài 254km.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương..., chính quyền và các đơn vị chức năng Cà Mau đã nỗ lực đầu tư xây dựng và hoàn thành được 56,7km kè bảo vệ vùng ven biển với tổng kinh phí hơn 1.840 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư kè ven bờ biển Tây dài hơn 43km, kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng; bờ biển Đông 12,9km, kinh phí thực hiện 745 tỷ đồng.
Tỉnh Cà Mau triển khai kê líp trồng rừng phía sau các công trình kè biển nhằm rút ngắn
thời gian phục hồi đai rừng phòng hộ.
“Những công trình kè ven biển ở Cà Mau được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp hạn chế tác động của sóng biển, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục lại được gần 1.000ha rừng phòng hộ”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tô Quốc Nam chia sẻ.
Những năm gần đây, ngành chức năng Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều cách để phục hồi rừng tại những khu vực bên trong kè biển. Ngoài hình thức thủ công đã thực hiện trước đó, trong năm 2021, chủ đầu tư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) ủy thác cho Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh triển khai thực hiện việc kê líp, trồng rừng và chăm sóc rừng sau khu vực kè biển thuộc huyện U Minh với tổng chiều dài tuyến khoảng 9,7km, đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa và khu vực cống T29. Bên trong khu vực đoạn kè biển này, đơn vị chức năng dùng cơ giới kê líp cao trung bình 0,5m, rộng 12m và dài khoảng 80m. Sau khi hoàn thành, mỗi héc-ta mặt líp có thể trồng được đến 3.300 cây mắm trắng thích hợp phát triển trên vùng đất bãi bồi.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau Trần Thanh Út, việc kê líp trồng và chăm sóc cây rừng nằm trong gói thầu xây lắp số 57, thuộc Dự án xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển Tây Cà Mau, được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phê duyệt vào tháng 11 năm 2021. Đến cuối năm 2022, gói thầu 57 hoàn thành, kê được tổng cộng 186 líp và trồng xong cây rừng.
Trong lần khảo sát lại gần đây thì tuyến ven biển Cà Mau hiện còn khoảng 100km tiếp tục bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, mức độ đặc biệt nguy hiểm có chiều dài khoảng 35km, tốc độ sạt lở hằng năm trung bình có nơi từ 50-80m về phía bờ. Với tốc độ sạt lở nhanh như vậy, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì Cà Mau không chỉ mất thêm nhiều diện tích đất và rừng phòng hộ ven biển hình thành qua hàng trăm năm, mà nguy cơ cao là sạt lở tiến sâu vào đất liền, uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng, việc khôi phục sẽ rất tốn kém, đồng thời khó phục hồi lại diện tích đất và rừng đã mất.
Thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngành chức năng rà soát, cập nhật tình hình sạt lở để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển Cà Mau đến năm 2030 theo Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 20/10/2020. “Theo số liệu cập nhật mới, tình trạng sạt lở lên đến khoảng 100km, tổng nhu cầu vốn thực hiện để ứng phó hơn 3.900 tỷ đồng. Trong đó, Cà Mau xin ưu tiên hỗ trợ trước 970 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 để tỉnh thực hiện các công trình phòng, chống sạt lở với chiều dài gần 18km tại những vị trí cấp bách”, ông Tô Quốc Nam đề xuất.