Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Durban: Cần thiện chí của các nền kinh tế phát triển

1:19:0, 01/12/2011 Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã khai mạc ngày 28/11 tại Durban (Nam Phi) – COP 17 nhằm xác định một cách rõ ràng hướng đi cho thế giới nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả từ hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Kết quả được kỳ vọng nhất tại Hội nghị Durban lần này là thống nhất được giai đoạn thứ hai của Nghị định thư Kyoto (Ảnh: Xinhua)

Tại Hội nghị lần này, các đại biểu đến từ 194 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ cùng nhau bàn thảo về những vấn đề lớn liên quan tới sự sống của chính loài người trên trái đất, đặc biệt trong số đó là giải quyết không ít khúc mắc còn tồn đọng từ nhiều vòng đàm phán trước đây. Cho tới thời điểm hiện tại, khi vòng đàm phán được xem là cơ hội cuối cùng để thống nhất hành động cho thế giới trước thảm họa biến đổi khí hậu đã chính thức được khởi động thì những bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển xung quanh việc kéo dài Nghị định thư Kyoto vẫn còn chưa hết căng thẳng.

Ngay trong ngày khai mạc COP 17, đại diện của Trung Quốc tại Durban đã lên tiếng kêu gọi Hội nghị lần này phải xác định một cách rõ ràng giai đoạn cam kết thứ hai cho Nghị định thư Kyoto. Ông Wei Su, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị tuyên bố nêu rõ: Giai đoạn cam kết thứ hai sẽ phải đảm bảo rằng các nước phát triển tham gia vào Nghị định thư Kyoto “thực hiện các cam kết một cách nghiêm túc để giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính”. Tuyên bố này của ông Wei Su được xem là tiếng nói đại diện cho cả Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ, vốn được xem là 4 “nước nòng cốt” trong các nỗ lực nhằm đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

“Nghị định thư Kyoto là nền tảng của quá trình chống biến đổi khí hậu và giai đoạn thứ hai của nó là một mối quan tâm thiết yếu đối với thành công của Hội nghị thượng đỉnh Durban”, ông nói thêm.

Nghị định thư Kyoto được thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), tổ chức tại Kyoto (Nhật Bản) vào tháng 12 năm 1997. Nghị định thư Kyoto buộc 38 quốc gia công nghiệp phải hạn chế phát thải khí nhà kính (chủ yếu là cacbonic) nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo đó, muộn nhất là năm 2012, 38 nước phải cắt giảm lượng khí thải với mức trung bình 5,2% so với những năm 1990, riêng Mỹ phải giảm 7%. Lý do là dân số nước này chỉ chiếm 6% trong tổng dân số thế giới, nhưng nền sản xuất khổng lồ của họ lại gây ra 25% tổng lượng cacbonic toàn cầu. Nghị định thư không thể được thi hành triệt để nếu thiếu sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, Washington lại cho rằng nội dung của Nghị định thư Kyoto 1997 có điểm không hợp lý, vì chỉ tập trung vào các nước công nghiệp mà không ràng buộc thế giới thứ ba, trong khi Mỹ là nước tạo ra nhiều của cải hơn bất kỳ một quốc gia nào khác.

 

Những bất đồng giữa các quốc gia về nghĩa vụ giảm khí thải độc hại vẫn còn tồn tại (Ảnh minh họa)

Về phần mình, châu Âu cho biết có thể chấp nhận việc kéo dài Nghị định thư Kyoto, với điều kiện Mỹ và Trung Quốc phải cho thấy hai nước này tham gia nghiêm túc vào việc cắt giảm khí thải lớn trong các năm tới.

Nhật Bản, Canada và Nga đã cho biết một cách rõ ràng họ không ký vào giai đoạn cam kết thứ hai. Các khác biệt lớn không thể hóa giải đã đẩy tương lai của Nghị định thư Kyoto càng trở nên mịt mờ.

Đề cập đến sự khác biệt này, đại diện của Trung Quốc tái khẳng định thiện chí của nước này cùng hành động vì tương lai đoàn kết toàn cầu hướng tới các kết quả tham vọng và bình đẳng, đảm bảo việc áp dụng đầy đủ, hiệu quả và bền vững Nghị định thư Kyoto. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng rất khó để hình dung ra một quốc gia rời khỏi Nghị định thư Kyoto lại có thể làm được nhiều hơn khi gia nhập vào nó. Giống như các bên cùng theo Con đường hành động Bali để kéo dài thêm giai đoạn thứ hai của Nghị định thư Kyoto và tuân thủ việc áp dụng đầy đủ, hiệu quả và thúc đẩy hơn nữa Công ước bằng những chương trình hợp tác dài hạn, từ nay đến sau năm 2012, chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tập trung vào nhiệm vụ này”.

Bên cạnh đó, đại diện của Trung Quốc tại vòng đàm phán Durban lần này cũng lưu ý: Việc tiếp tục theo đuổi các cơ chế linh hoạt của Nghị định thư Kyoto phụ thuộc vào việc xây dựng các cam kết giảm thiểu khí thải được lượng hóa dành cho các nước phát triển trong giai đoạn cam kết thứ hai.

“Chúng tôi rất sẵn lòng đóng góp mang tính xây dựng với các bên gia nhập vào giai đoạn cam kết thứ hai”, ông Wei Su tuyên bố, “chúng tôi lưu ý sự cần thiết phải áp dụng các quyết định Cancun để giải quyết các vấn đề chưa được Con đường hành động Bali đưa ra giải pháp”.

“Kết quả Durban sẽ hoàn thiện Con đường hành động Bali, và khi đó các nước phát triển không tham gia vào Nghị định thư Kyoto sẽ phải tiến hành các cam kết tương ứng và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo đúng như Công ước; và các nước đang phát triển phải tăng cường tiến hành các hành động giảm thiểu để hướng tới phát triển bền vững.

Cũng ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị, Đảng cầm quyền tại Nam Phi, Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đã lên tiếng kêu gọi các nước phát triển cần đảm bảo hơn nữa các trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Đảng ANC, ông Gwede Mantashe một lần nữa nhấn mạnh, các nền kinh tế phát triển chiếm phần lớn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Các nước phát triển cần làm nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ và sẽ phải giảm thiểu biến đổi khí hậu vốn do phần dân số của họ gây ra. Về điều này, “Đảng ANC bày tỏ quan điểm ủng hộ việc các nước đang phát triển tiếp cận dần dần trong nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”, ông Gwede Mantashe cho biết.

Tổng thống Nam Phi, ông Jacob Zuma cũng tuyên bố nêu rõ: “Biến đổi khí hậu là một nguy cơ nghiêm trọng đối với nhân loại, hơn hết là các nước đang phát triển.

Đặc biệt, theo nhà lãnh đạo của nước chủ nhà, châu Phi dễ bị tác động nhất do tình trạng nghèo đói làm hạn chế khả năng của phần lớn các nước trong châu lục đối mặt với các hệ quả nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu và sản lượng nông nghiệp của nhiều nước châu Phi sẽ giảm xuống tới gần 50% vào năm 2050 và điều này “sẽ dẫn tới thiếu lương thực trầm trọng”.

Không thể phủ nhận rằng chính các nước đang phát triển, những nước có thu nhập trung bình và thấp là đối tượng dễ bị tác động nhất bởi hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Để hướng tới một thế giới phát triển bền vững, các quốc gia không chỉ đơn thuần bảo vệ lợi ích riêng của mình mà quên đi trách nhiệm đối với đồng loại. Chính vì vậy, mặc dù không đạt được thành công như mong đợi tại hai Hội nghị Copenhagen và Cancun hai năm vừa qua, song các quốc gia thành viên của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vẫn chưa hết hy vọng vào kết quả đạt được tại hội nghị Durban lần này. Hơn lúc nào hết, thế giới cần có đủ lòng quyết tâm và thiện chí để vòng đàm phán quan trọng được coi là cơ hội cuối cùng để tìm ra giải pháp hữu hiệu cứu lấy trái đất này có thể thống nhất được những kết quả quan trọng, mở ra cánh cửa tiếp theo cho con đường phát triển bền vững của cả cộng đồng./.

Về chuyên mục

Về đầu trang