Ngày 30/8/2011 tại thành phố Hồ Chí Minh, Dự án “Xây dựng năng lực về biến đổi khí hậu cho các tổ chức xã hội dân sự” đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với Biến đổi khí hậu. Tham dự Hội thảo có ông Bùi Chí Bửu - Giáo sư, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, bà Nguyễn Thị Hoà - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học, Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật và các cơ quan quản lý ở khu vực phía Nam (từ Bình Định đến Cà Mau).
Trong buổi hội thảo, các đại biểu đã được chia sẽ và thảo luận tập trung vào các hoạt động liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp… nhằm thích ứng, giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu (BĐKH) qua các báo cáo được trình bày như:
- Tổng quan tác động và ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Nghiên cứu thực trạng của tác động BĐKH, những kinh nghiệm bảo vệ vùng ven biển, du lịch và bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Kiên Giang.
- Canh tác lúa ít phát thải khí nhà kính (CH4) tại Việt Nam và Chọn tạo giống lúa có sự tham gia để thích ứng với BĐKH và an ninh lương thực.
- Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) – Giải pháp ứng phó với BĐKH.
- Hiệu quả áp dụng mô hình túi ủ biogas và ủ phân hữu cơ tại An Giang, Đồng Tháp và Long An.
- Bước đầu xây dựng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng bảo vệ rừng và đa dạng sinh học để thích ứng với BĐKH ở Kiên Lương – Kiên Giang.
- Doanh nghiệp An Giang chung tay cùng Nhà nước trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai.
- Chia sẽ các giải pháp sản xuất rau an toàn.
- Xây dựng Mạng lưới cộng đồng ứng phó với BĐKH tại đồng bằng sông Cửu Long.
Các báo cáo đã minh chứng nhiều cơ quan, nhiều tổ chức xã hội dân sự đã không ngừng hưởng ứng tuyên truyền phổ biến tác động của BĐKH và nghiên cứu thực hiện những mô hình từ đơn giản đến phức tạp trong các lĩnh vực. Một vài mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp tuy khá đơn giản nhưng hiệu ích rất lớn cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến nhân rộng, cụ thể là:
- Việc điều tiết mực nước hợp lý với từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa theo phương pháp “ngập-khô xen kẻ” đã làm giảm lượng khí thải nhà kín rất lớn, mà còn tăng năng suất chất lượng lúa.
Việc ứng dụng túi ủ bioga trong chăn nuôi và ủ phân hữu cơ trong sản xuất lúa góp phần làm sạch môi trường, giảm lượng khí thải nhà kín rất lớn nhờ giảm chất đốt củi, trấu,… hoặc giảm tập quán “đốt đồng” sau khi thu hoạch lúa xong của nông dân…