Tại hội thảo, Hội Tưới tiêu Việt Nam báo cáo kết quả bước đầu thực hiện đề án "Tư vấn phản biện quy hoạch thủy lợi, thủy điện khu vực miền Trung", ý kiến đóng góp của các đại biểu về các nội dung theo mục tiêu của Đề án. Đó là đánh giá tác động môi trường hệ thống thủy lợi, thủy điện ở khu vực miền Trung Việt Nam; xác định nguyên nhân lũ lụt ở khu vực miền Trung; đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và phát triển kinh tế trong vùng nghiên cứu...
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã tập trung đánh giá tình hình lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch thủy lợi, thủy điện; công tác vận hành khai thác công trình đáp ứng nhu cầu cấp nước, tiêu thoát lũ và sản xuất điện năng trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Tình hình lũ lụt và thiệt hại mấy năm gần đây ở vùng hạ du các công trình thủy lợi, thủy điện tại một số địa bàn trọng điểm trong tỉnh. Phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra lũ lụt trên các địa bàn trọng điểm.
Bờ biển miền Trung dài khoảng 1.000 km, có nhiều sông nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn, lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lắp gây cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng. Hàng năm, những trận bão biển và gió mùa Đông Bắc đã gây nên những trận mưa lớn ở miền Trung. Nhiều năm gần đây, do ảnh hưởng của biến động thời tiết trên toàn thế giới, những trận bão biển và mưa lớn xảy ra càng khốc liệt hơn. Mùa bão thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 và trung bình hằng năm có 4 cơn bão. Trong những năm 1995- 1999, miền Trung đã chịu ảnh hưởng của 13 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới và 23 đợt gió mùa Đông Bắc. Trong vòng 6 năm, từ năm 2005 đến 2010, thiên tai đã làm cho gần 1.859 người thiệt mạng, số người chết là 1.640 người, số người mất tích 219 người. Tổng mức thiệt hại lên tới 58.737 tỷ đồng. Những cơn bão biển và áp thấp nhiệt đới thường xuất phát từ Philippin và chỉ sau 3-4 ngày sang đến bờ biển nước ta gây nên bao thiệt hại.
Để hạn chế thiệt hại về người, tài sản và nâng cao năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó tốt hơn với thiên tai, nhiều hoạt động phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã được thực hiện tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều bên liên quan đã tham gia vào các hoạt động quản lý và giảm nhẹ thiên tai bao gồm Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc gia và quốc tế, tổ chức phi chính phủ và đặc biệt là các thành phần tích cực của các chính quyền và cộng đồng địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó việc rà soát quy hoạch thủy lợi được ưu tiên hàng đầu.
Qua phân tích và thảo luận, các đại biểu dự hội thảo đã thống nhất và đề xuất các giải pháp mới để sớm khắc phục các tồn tại. Đó là, cần thành lập một tổ chức quản lý tài nguyên nước mới có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Sửa Luật Tài nguyên nước và các Luật liên quan cho phù hợp với tình mới. Ban hành các Nghị định, Quyết định, các chương trình chiến lược cần thiết. Xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các ngành. Rà soát quy hoạch thuỷ lợi theo lưu vực sông và vùng lãnh thổ phù hợp với tình hình mới. Đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi theo quy hoạch, đầu tư công trình, trang thiết bị quản lý đảm bảo an toàn trong mọi tình huống. Rà soát quy hoạch thủy điện các lưu vực sống, dứt khoát loại bỏ những công trình không đảm bảo vấn đề môi trường và xâm hại đén các vùng đã được quy định như các khu bảo tồn, rừng đặc dụng...Đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy điện đảm bảo an ninh điện quốc gia và góp phần điều tiết nguồn nước trên các lưu vực sông. Hoàn thành việc xây dựng quy trình vận hành hồ chứa quanh năm cho các công trình thủy lợi, thủy điện thuộc các lưu vực sông theo Quyết định 1879/QĐ-TTg ngày 13/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định vận hành bảo đảm an toàn cho các công trình độc lập khác. Hoàn thành các chương trình trồng rừng của Chính phủ, triển khai các chương trình mới đáp ứng các mục tiêu phủ xanh đồi trọc đã đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng và chương trình phát triển ngành Nông nghiệp. Tăng cường tuyên truyền bằng mọi hình thức để mọi người tham gia vào từ khâu quy hoạch, xây dựng và vận hành công trình thủy lợi, thủy điện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”...