Hướng tới Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5): Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ Việt Nam vì sức khỏe cộng đồng, tích cực phòng chống thiên tai vì cộng đồng an toàn

11:20:0, 23/04/2012 Với vai trò là tổ chức nhân đạo xã hội rộng lớn, có hệ thống Hội 4 cấp phát triển mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, từ nhiều năm qua, phong trào thanh thiếu niên Chữ thập đỏ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo các bạn trẻ và hình thành một mạng lưới thanh thiếu niên Chữ thập đỏ (TTNCTĐ) rộng khắp trong các trường học và ở địa bàn dân cư, với hình thức tập hợp chủ yếu là các đội thanh thiếu niên Chữ thập đỏ. Một số tỉnh, thành Hội có đội thanh niên Chữ thập đỏ xung kích (TNCTĐXK) tại địa bàn dân cư.

Đến nay, toàn Hội có 3.290.478 thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ, đóng vai trò tích cực trong các hoạt động chữ thập đỏ, đặc biệt trong các hoạt động ứng phó với thiên tai, thảm họa, phòng chống dịch bệnh, sơ cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh nhân đạo, hiến máu tình nguyện…

Hàng năm, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thường xuyên ban hành hướng dẫn công tác thanh niên Chữ thập đỏ theo chủ đề từng năm học. Các tỉnh, thành Hội xây dựng chương trình hoạt động phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành, Sở Giáo dục - Đào tạo và tỉnh, thành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thông qua thực hiện Nghị quyết, công tác thanh niên Chữ thập đỏ trong và ngoài trường học có bước phát triển rộng khắp, góp phần tập hợp, giáo dục, hướng dẫn thanh thiếu niên kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động tập thể, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và xã hội, kỹ năng tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ, kiến thức, thông tin về Luật nhân đạo quốc tế, về Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế...

Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ tham gia tích cực trong nhiều lĩnh vực hoạt động nhân đạo; đó là: Tuyên truyền, vận động nhân dân và tham gia thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh: cúm A (H5N1), A (H1N1), sốt xuất huyết, dịch tả, vệ sinh dinh dưỡng học đường, phòng chống ma tuý, HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn giao thông; tham gia bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ, sơ cấp cứu tại cộng đồng, hiến máu tình nguyện, tổ chức các Đội TNCTĐXK sẵn sàng ứng trực cùng với cán bộ Hội, chính quyền địa phương, bộ đội và dân phòng giúp dân di dời mỗi khi có thiên tai, thảm hoạ và tham gia quyên góp, vận động ủng hộ giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai, thảm hoạ. Đặc biệt, Phong trào tương thân, tương ái là hoạt động khá phổ biến của TTNCTĐ. Các cấp Hội thường xuyên tổ chức các mô hình hoạt động để giúp đỡ những người nghèo, trẻ em lang thang và học sinh không có điều kiện đến trường. Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ các trường tổ chức đợt vận động quyên góp tiền của, vật chất giúp đỡ kịp thời cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là các phong trà “Giúp đỡ thầy cô gặp khó khăn và các bạn học sinh nghèo”, đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, lớp học tình thương (Hà Tây, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Định, Lào Cai); “Vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” (Quảng Trị, Đồng Nai, Hà Tĩnh) , Chương trình “Học bổng Chữ thập đỏ”, công trình thanh niên tặng “Bộ bàn ghế học tập” của TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng ra đời đã vận động được trên 4 tỷ đồng mỗi năm giúp các bạn thanh, thiếu niên hiếu học vượt khó. Phong trào “Góp những đồng tiền lẻ vì nghĩa tình lớn”,”tặng quà đầu xuân giúp bạn nghèo vượt khó và nạn nhân chất độc da cam” trực tiếp giúp đỡ bạn nghèo góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách sống cảm thông chia sẻ với người bất hạnh, “Tết vì bạn nghèo”, “Gánh củi tình thương”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, chương trình tặng sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh miền núi, hải đảo, mua tăm tre ủng hộ người mù (Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tiền Giang, Bình Định, Bình Dương, Quảng Bình, Hà Giang...) được triển khai thường xuyên.

Thông qua các hoạt động, nhiều mô hình gây quỹ đã hình thành và được nhân rộng như: “Nuôi lợn đất” để xây dựng Quỹ tình thương trong trường học là một mô hình có hiệu quả và mang tính giáo dục cao đã phát triển rộng khắp trong các trường học. Việc đặt “Hòm quỹ từ thiện” tại các siêu thị, nhà ga, trung tâm thương mại, tổ chức biểu diễn văn nghệ tuyên truyền và gây quỹ ủng hộ đối tượng khó khăn được vận dụng linh hoạt ở nhiều địa phương. Tổng số Quỹ tình thương của mỗi tỉnh, thành hàng năm trung bình từ 50 triệu đến 2 tỷ đồng. Hầu hết các trường học đều xây dựng “Góc Chữ thập đỏ”/tủ thuốc Chữ thập đỏ, trồng cây thuốc nam để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho học sinh.

Phong trào thanh thiếu niên Chữ thập đỏ không chỉ mang lại các kết quả tích cực từ các chương trình phát triển cụ thể mà các bạn trẻ đã tham gia thực hiện, quan trọng hơn, nó đã góp phần tạo ra và nâng cao nhận thức đối với toàn xã hội về vai trò thanh thiếu niên, tinh thần tình nguyện, xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ.

Hưởng ứng thông điệp của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5) năm nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tập trung vào các hoạt động: (1) Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của tuổi trẻ trong các hoạt động nhân đạo, tôn vinh giá trị tình nguyện, xung kích mà lực lượng trẻ đã đóng góp xây dựng vì một thế giới tốt đẹp hơn; (2)Tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức Hội Chữ thập đỏ trong các trường học; phối hợp với Hội sinh viên tại các tỉnh, thành thành lập các Đội tình nguyện viên tại các trường đại học, cao đẳng trong các lĩnh vực: quản lý thảm họa, chăm sóc sức khỏe, công tác xã hội, hiến máu tình nguyện (bao gồm Câu lạc bộ 25), tuyên truyền vận động gây quỹ...; Phát triển lực lượng thanh niên xung kích về ứng phó thảm họa; phát triển các đội thanh niên xung kích Chữ thập đỏ trong các trường học tham gia phòng ngừa ứng phó thảm họa tại các địa phương trọng điểm thiên tai; (3) Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động có sự tham gia tích cực của tuổi trẻ như: Phòng chống thiên tai, vì cộng đồng an toàn; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; hiến máu nhân đạo.

Về chuyên mục

Về đầu trang