Lũ lụt rút, cần phòng ngừa bệnh đường ruột

22:46:0, 23/11/2011 Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, hàng năm trên địa bàn tỉnh có hàng chục ngàn ca mắc nhiễm khuẩn đường ruột, trong đó bệnh tiêu chảy là bệnh thường gặp nhất. Các ca tiêu chảy thường tăng cao vào mùa lũ, đặc biệt là khi lũ rút.


Rác thải tràn ra kênh rạch, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng
đến sức khỏe người dân

Hiện trên địa bàn tỉnh nước lũ đang rút, dẫn đến nhiều vùng nước ngập bị ô nhiễm nặng bởi phân từ các chuồng trại, xác động vật được phân hủy vào nguồn nước sông, rạch, nếu người dân vùng lũ ăn uống không đảm bảo vệ sinh thì dễ mắc bệnh các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột. Điều đáng lo là hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức cao trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, trong đó có bệnh tiêu chảy, dẫn đến nhiều người vùng lũ vẫn tiếp tục mắc bệnh này ở mức cao. Được biết, hiện tất cả 12/12 huyện, thị, thành đều có xuất hiện bệnh tiêu chảy, tuy nhiên số mắc ở nông thôn nhiều hơn ở khu vực thành thị.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết, bệnh tiêu chảy thường xảy ra do nhiễm trùng đường tiêu hóa. Đối với bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng đường tiêu hóa thì tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm và mắc, tuy nhiên bệnh này ở trẻ em tỷ lệ mắc cao hơn người lớn. Khi bị tiêu chảy, nếu không được xử lý đúng và kịp thời thì có thể dẫn đến mất nước trong cơ thể, nếu nặng thì có thể truỵ tim mạch và tử vong. Đối với trẻ nhỏ, nếu tiêu chảy nhiều lần có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.

Cũng theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, bệnh tiêu chảy nhiễm trùng nguyên nhân trực tiếp là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Ăn uống phải đảm bảo vệ sinh chính là biện pháp để phòng tránh bệnh tiêu chảy.

Về chuyên mục

Về đầu trang