Miễn giảm thủy lợi phí: Cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn

18:42:0, 20/03/2012 Mặc dù có góp phần không nhỏ giúp người nông dân giảm bớt chi phí sản xuất, song sau hơn 4 năm triển khai Nghị định 115/2008/NĐ - CP về miễn giảm thủy lợi phí, nhiều bất cập đã nảy sinh. Đó là tình trạng xuống cấp nhanh của nhiều công trình thủy lợi do không được tu bổ thường xuyên, mức thu thủy lợi phí chưa sát với giá thực tế...

Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 115 quy định về miễn thủy lợi phí đối với nông dân được giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối trong hạn mức đất được giao.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, chính sách này không chỉ góp phần giảm chi phí đóng góp của người nông dân từ 5 - 10% mà còn đem lại nhiều hiệu quả tích cực khác. Cụ thể, diện tích tưới tiêu chủ động của các địa phương tăng lên bình quân 4 - 10%. Chính sách thủy lợi phí mới còn giúp cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động mạnh mẽ trở lại, tạo nguồn kinh phí cho các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) chủ động trong sản xuất...

Tuy nhiên, việc miễn giảm thủy lợi phí lại khiến nhiều công trình thủy lợi xuống cấp nhanh do thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng kịp thời.

Ông Mai Đức Anh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nhơn Hậu (An Nhơn - Bình Định) cho biết trước khi thực hiện Nghị định 115, giá trị doanh thu bình quân trong 3 năm của HTX đạt tới 1,7 tỷ đồng, song từ khi có chính sách miễn, giảm thủy lợi phí, doanh thu bình quân của đơn vị chỉ đạt 800 triệu đồng.

Cùng với đó, mức thu thủy lợi phí hiện còn nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể việc lấy mức quy định của Nghị định 143/2003/NĐ - CP của Chính phủ làm cơ sở tính toán, trên cơ sở đó nhân với hệ số trượt giá (2,31 lần) để xác định mức thu quy định của Nghị định 115 là không phù hợp thực tế. Với mức này, các vùng miền núi sẽ gặp nhiều khó khăn do việc quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn rộng, chi phí quản lý, vận hành công trình cao nhưng mức thu quy định thấp.

Nhiều đại biểu phản ánh, tại nhiều khu vực, bà con nông dân còn nhầm lẫn khi cho rằng, họ được miễn hoàn toàn thủy lợi phí. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 115, nông dân chỉ được miễn thủy lợi phí đến cống đầu kênh (vị trí do tỉnh quy định), còn lại nông dân vẫn phải đóng chi phí thủy lợi nội đồng. Hiện nay do quy định không hợp lý về việc xác định phương pháp cấp nước, trong số 200 HTX ở Bình Định có đến một nửa lúng túng trong việc thu tiền thủy lợi phí của nông dân.

Trước những bất cập trên, nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi Nghị định 115 cho phù hợp với thực tiễn sản xuất như điều chỉnh mức thu thủy lợi phí theo mức trượt giá của từng giai đoạn hay mức thu phải đáp ứng chi phí tối thiểu của doanh nghiệp để đảm bảo duy tu, bảo dưỡng công trình... Đặc biệt, cần làm rõ hơn đối tượng được hưởng miễn thủy lợi phí.

Tại hội thảo đánh giá tác động của Nghị định 115 đến hiệu quả quản lí, KTCTTL vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm, để quản lí tốt hơn công trình thủy lợi, cần tăng cường phân cấp cho địa phương. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lí công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho rằng, hiện nay việc thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí thông qua cấp ngân sách trực tiếp cho các tổ chức quản lí KTCTTL không hiệu quả, không gắn được trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ công trình và giám sát việc sử dụng kinh phí nhà nước.

Do đó, nên miễn giảm thủy lợi phí trực tiếp cho người dân, tức là Nhà nước cấp kinh phí cho người dân căn cứ vào nghiệm thu hợp đồng, hóa đơn giữa người dân với đơn vị cấp nước.

Đồng tình quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học nhấn mạnh, công trình thủy lợi có đặc thù là trải trên diện rộng, nếu không có sự tham gia của người dân thì rất khó có thể quản lí tốt. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là phân cấp mạnh cho các địa phương và người dân để gắn quyền lợi và trách nhiệm trong chính sách miễn thủy lợi phí. Trong đó, định hướng là thành lập các Hội dùng nước để người dân tham gia giám sát, quản lí những trạm bơm, hồ chứa nhỏ, không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành một số Thông tư hướng dẫn và đề nghị Chính phủ chỉnh sửa lại Nghị định 115 theo hướng căn cứ vào định mức chi phí hợp lý để xác định lại mức thủy lợi phí cấp (trả) cho nông dân cho phù hợp giữa các vùng, các loại công trình, quy mô hệ thống và phù hợp với tình hình trượt giá của thị trường. Đồng thời nghiên cứu xác định lại đối tượng miễn, giảm thủy lợi phí để đảm bảo công bằng đối với tất cả các hộ nông dân, nhằm khuyến khích và phát huy vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ thủy lợi.

Về chuyên mục

Về đầu trang