Nâng cao công tác dự báo lũ ĐBSCL

23:25:0, 18/12/2011 “Cần nâng cao công tác dự báo, cảnh báo; bám sát tình hình điều kiện hiện nay của khu vực ĐBSCL như xâm nhập mặn, hạn hán trong mùa khô, ngập lụt trong mùa mưa, triều cường…để phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội hiệu quả”. Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đối với cán bộ ngành KTTV tại Hội thảo “Tăng cường năng lực dự báo lũ ĐBSCL” do Bộ TN&MT tổ chức ngày 16/12/2011 tại TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Sau gần 10 năm có lũ nhỏ hoặc không có lũ, trong năm 2011, ĐBSCL đã phải gánh chịu một đợt lũ lớn, kéo dài, gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. 

Tuy nhiên, Trung tâm KTTV Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ xảy ra trên sông Mê Kông và vùng ĐBSCL, cảnh báo và dự báo sớm, kịp thời tình hình lũ. Các bản tin dự báo hàng ngày, Tin cảnh báo lũ, Tin lũ và Tin lũ khẩn cấp đều được chuyển kịp thời, theo đúng quy định đến các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng…

Ông Phan Thanh Minh – Giám đốc Đài KTTV Khu vực Nam Bộ cho biết: Mặc dù trong 10 năm qua, khu vực ĐBSCL hầu như không có lũ hoặc chỉ co lũ thấp, tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm cao, không chủ quan trong mùa mưa lũ 2011, Đài đã chủ động kịp thời ra các bản tin dự báo, tin lũ kịp thời. Trong đó, các bản tin lũ, tin lũ khẩn cấp đều phát sớm hơn so với Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; chất lượng dự báo lũ vượt chỉ tiêu được giao: hạn dự báo 01 ngày đạt 93,8%, 5 ngày đạt 87,4%.

Nhờ công tác dự báo KTTV  kịp thời nên các cơ quan quản lý đã chủ động trong công tác phòng chống lụt, bão, giảm đáng kể thiệt hại do lũ gây ra. Mặc dù đỉnh lũ năm 2011 tương đương năm 2000 nhưng số người chết chỉ bằng 1/10…

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, trong thời gian tới, tình hình lũ, lụt tại ĐBSCL vẫn sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi dòng chảy. Vì vậy, để kiểm soát lũ lụt ở ĐBSCL ngoài xây dựng các công trình kiểm soát lũ, cần có các thông tin dự báo lũ, lụt sớm và chính xác, nếu dự báo KTTV tốt có thể giảm đến 30% thiệt hại do bão, lũ gây ra. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân, việc dự báo, cảnh báo trước 10 ngày hoặc dài hơn còn nhiều hạn chế và chưa thể đảm bảo độ chính xác. Vì vậy, cần nâng cao năng lực của toàn bộ hệ thống dự báo lũ, lụt ở ĐBSCL; tăng cường mạng lưới quan trắc, truyền tự động số liệu thu thập; cải tiến và hiện đại hóa công nghệ dự báo; đào tạo, tăng cường năng lực cho các cán bộ dự báo KTTV….

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Thời gian tới, cùng với việc thực hiện Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan như Cục KTTV và BĐKH, Trung tâm KTTV Quốc gia, Viện Khoa học KTTV và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành địa phương trong vùng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực dự báo bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và các hiện tượng KTTV nguy hiểm thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo KTTV giai đoạn 2010 -2012.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Về chuyên mục

Về đầu trang