Trong mưa lũ, phát huy 4 tại chỗ, các địa phương đã bình tĩnh sơ tán người và tài sản lên cao, giảm thiểu thiệt hại. Nước lũ rút đến đâu, dưới sự giúp sức của lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, tình làng nghĩa xóm, người dân, trường học, trạm y tế… tiến hành thau rửa, vệ sinh nhà cửa, lớp học, đồ đạc, vệ sinh môi trường để sớm đưa cuộc sống trở lại ổn định.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 26-27/9, trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã xảy ra mưa to, đến rất to; lượng mưa đo được hơn 310mm, lũ trên các thượng nguồn chảy về lớn đồng thời các nhà máy như Nhãn Hạc, Châu Thắng, Nậm Pông đã xã lũ với lưu lượng 2.000-2.500m3/s, đã gây ngập lụt diện rộng trên toàn địa bàn huyện Quỳ Châu làm thiệt hại về tài sản, hoa màu của nhân dân.
Đến 20 giờ ngày 27/9 mưa lũ trên địa bàn huyện Quỳ Châu bắt đầu giảm dần, nước lũ bắt đầu rút. Tuy nhiên, hậu quả của mưa lũ để lại đó là phải di dời đến nơi an toàn hơn 5.000 người, hiện tại sau khi nước rút người dân đã quay trở lại nhà. Toàn huyện có 1.210 nhà ở 30 khối, bản bị ngập sâu từ 1-5m.
Quốc lộ 48A đi qua huyện bị chia cắt tại 8 điểm; nhiều tuyến tỉnh lộ, các tuyến liên xã bị sạt lở nặng nề, chia cắt các thôn, bản, chưa thể thông xe được. Tất cả các cầu tràn trên địa bàn huyện Quỳ Châu đều bị ngập…
Báo cáo mới nhất từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Quỳ Châu cho biết: Mưa lũ trên địa bàn huyện Quỳ Châu không gây thiệt hại về người nhưng làm thiệt hại về tài sản của người dân trên địa bàn, nhất là các xã Châu Tiến, Châu Thắng, thị trấn Tân Lạc, Châu Hạnh. Toàn bộ các trường học phải cho học sinh nghỉ học. Mưa lũ đã khiến 7 điểm trường thuộc các xã Châu Hạnh, Châu Tiến, Châu Thắng, Diên Lãm cùng 4 trạm y tế... bị ngập sâu trong nước, bùn dày 40cm.
Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và tài sản của người dân bị ngập sâu trong nước, bị hư hỏng hay bị trôi mất. Hàng trăm héc-ta lúa hè thu, mía, sắn... bị ngập và hư hại; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị trôi, chết… Tổng thiệt hại ước hàng trăm tỷ đồng.
Sáng 28/9 nước lũ đã rút sâu, huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các địa phương khắc phục với phương châm nhà giúp nhà; đơn vị giúp đơn vị; xã giúp xã; tất cả chúng tay để khắc phục mưa lũ. Huyện Quỳ Châu thành lập 4 tổ công tác do các đồng chí Thường trực, Thường vụ dẫn đầu về các địa phương bị thiệt hại nặng nề để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
Lực lượng Công an huyện Quỳ Châu, Ban chỉ huy Quân sự huyện Quỳ Châu giúp các trường học ở Châu Hạnh vệ sinh môi trường, rửa dọn bàn ghế, đồ dùng học tập.
Các đơn vị vũ trang, dân quân tự vệ điều động lực lượng ưu tiên đến giúp các trường học, trạm y tế để cùng các thầy, cô giáo của các trường học không bị ảnh hưởng và nhân dân để dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất, rửa sạch các phòng học, đồ dùng học tập để sớm đón con em đến trường.
Thượng tá Lê Xuân Sơn, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳ Châu cho biết: Đơn vị đã điều 35 cán bộ, chiến sĩ xuống các khu vực bị ngập lụt để giúp nhân dân, giúp các trường học khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tại điểm trường Tà Sỏi, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu), lực lượng Bộ đội thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳ Châu đang chia đội hình ra từng khu vực để cùng các cô giáo, phụ huynh đẩy bùn, đất ra khỏi lớp, thau rửa lớp học, bàn ghế, đồ dùng học tập bị ngâm bùn.
Cô Lương Thị Bình, Hiệu trưởng Trường mầm non Châu Hạnh cho biết: Mưa như trút, nước lũ lên nhanh, trường bị ngập sâu, cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng; ti vi, đồ dùng học tập bị ngập trong nước. Nhờ sự giúp sức của bộ đội và phụ huynh nên nước rút ra đến đâu, nhà trường tranh thủ đẩy bùn đất ra đến đó cũng như chùi rửa đồ dùng học tập đến đó… Chúng tôi phấn đấu vệ sinh trường lớp sạch sẽ, để đón các cháu đến trường sớm nhất.
Nhà bà Nguyễn Thị Vinh ở khối 4, thị trấn Tân Lạc là một trong số 200 căn nhà bị ngập sâu trong lũ ở thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Ngay trong sáng nay, lực lượng đoàn viên thanh niên cùng những người hàng xóm cũng sang giúp bà dọn dẹp nhà, vệ sinh ngôi nhà cho bớt phần tan hoang sau lũ.
Đại diện lãnh đạo thị trấn Tân Lạc cho biết, do nhiều nhà trên địa bàn bị ngập sâu, chúng tôi đã huy động các lực lượng xung kích, những nhà bị ngập nhẹ đến giúp những nhà ngập sâu dọn dẹp đồ đạc, đẩy bùn đất ra khỏi nhà, vệ sinh môi trường… để sớm giúp họ ổn định cuộc sống.
Người dân giúp nhau dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đồ đạc để sớm ổn định cuộc sống.
Trong ngày 28/9, huyện Quỳ Châu đã huy động các lực lượng quân sự, công an, các trường học, địa phương với tổng số gần 750 người để giúp các xã Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Hạnh dọn dẹp vệ sinh môi trường; huy động nhiều phương tiện cơ giới tập trung hốt đất, đá sạt lở và cây đổ để bảo đảm thông đường.
Đi kiểm tra và động viên các lực lượng và người dân đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, đoàn công tác của tỉnh Nghệ An và huyện Quỳ Châu yêu cầu các địa phương phải chăm lo đời sống của nhân dân sau mưa lũ, nhất là đối với các gia đình neo đơn, già cả, chính sách; sớm vệ sinh môi trường để không để dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, tập trung huy động máy móc, nhân lực để tham gia xúc đất, bùn, vệ sinh môi trường tại các trường học, đơn vị; khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường nhằm bảo đảm thông tuyến sớm nhất để sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Cùng với đó, yêu cầu các địa phương kiểm soát, kiểm tra các khu dân cư sống gần sông, suối và khu thấp, trũng để có giải pháp di dời kịp thời khi có sự cố khẩn cấp...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài cho biết: Để giúp đỡ những đơn vị và nhà dân bị thiệt hại nặng nề do mưa bão, huyện Quỳ Châu đã trích ngân sách hỗ trợ các xã, đơn vị bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ, mỗi đơn vị 20 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình tại các đơn vị trên địa bàn, mỗi đơn vị ba triệu đồng…
Xem bài viết gốc tại đây