Ngư dân ứng phó với biến đổi khí hậu

0:0:0, 16/09/2011 Nguy cơ nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ đe dọa nghiêm trọng nguồn sinh kế của những ngư dân ven biển. Vấn đề hiện nay là ngư dân cần thay đổi nhận thức, cách khai thác để duy trì đời sống kinh tế một cách bền vững.

Ảnh minh hoạ

Nguồn thuỷ hải sản ven bờ đang cạn kiệt
 
Theo PGS. TS. Hà Xuân Thông, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, nguồn thủy sản vùng gần  bờ của nước ta đang ở mức kêu cứu, báo động về sự hủy diệt. Các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm như cá chim, cá sủ, các đàn tôm, đàn cá nhụ, cá thiều, cá hồng, cá song lớn không còn thấy xuất hiện gần bờ, chỉ còn cá tạp, cá nhỏ.

Nguyên nhân là do nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị khai thác quá mức, vượt xa sản lượng khai thác bền vững tối đa cho phép. Cả nước có trên 128 ngàn tàu thuyền đánh cá thì đã có tới 105 ngàn thuyền nhỏ có công suất dưới 35 CV khai thác gần bờ.

PGS. TS. Hà Xuân Thông cho biết, có một nghịch lý đang tồn tại, là nguồn lợi thủy sản không ngừng giảm sút đi đến cạn kiệt mà số phương tiện đánh bắt gần bờ không ngừng tăng lên. Điều này được lý giải là do đi biển là nguồn sống duy nhất của ngư dân, mà ngư dân nghèo chỉ có điều kiện đánh bắt gần bờ. Nguồn lợi thủy sản giảm nên ngư dân tìm mọi cách, kể cả cách đánh bắt hủy diệt, để tăng sản lượng. Cá tôm từ đó mà ít dần.

Nguy cơ hủy diệt này càng trở nên báo động khi biến đổi khí hậu trở thành một thách thức lâu dài, to lớn.

Cộng đồng ven biển, đặc biệt là cộng đồng nghề cá là đối tượng phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu sớm nhất và nhiều nhất. Đó là tình trạng nước biển dâng, lũ lụt bất thường gia tăng, sự tàn phá của bão ngày càng lớn đã ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, phương tiện sản xuất, kế hoạch làm ăn của họ.

Sự giảm sút nguồn lợi thủy sản do khai thác quá mức và biến đổi khí hậu là mối đe dọa trước mắt và cả lâu dài. Vì vậy, vừa  phải tìm cách thích nghi, ứng phó dần dần, vừa phải thay đổi và coi đây như một vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Đa dạng hóa sinh kế cho ngư dân

"Kinh nghiệm tại nhiều nước cho thấy, khả năng đối phó với các mối nguy hiểm do biến đổi khí hậu và cạn kiệt nguồn lợi phụ thuộc rất lớn vào khả năng đa dạng hóa các nguồn thu nhập", PGS. TS. Hà Xuân Thông nói.

Theo ông Thông, tạo lập sinh kế mới dễ dàng và thuận lợi nhất là sử dụng các tiềm năng của chính các cộng đồng ở vùng của những người hành nghề thủy sản sinh sống. "Ly ngư bất ly hương" nên được lấy làm phương châm hành động cần được ưu tiên nhất.

Để đa dạng hóa nghề nghiệp cho ngư dân, ngư dân cần được đào tạo nghề, một cách có tính toán lâu dài và phải xuất phát từ nhu cầu, đề xuất từ chính ngư dân, không thể áp đặt.

Các giải pháp về sinh kế cho cộng đồng nghề cá có liên hệ mật thiết với các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn và biến đổi  khí hậu, để thu hút nguồn lực. Do đó cần lồng ghép các chương trình tạo sinh kế mới cho ngư dân vào các chương trình này.

PGS. TS. Hà Xuân Thông đề xuất, các cấp chính quyền phải lồng ghép ngay từ khâu hoạch định, phát triển các chương trình dự án, đảm bảo sự đồng nhất thực hiện mục tiêu quốc gia cũng như từng địa phương.

Các sinh kế khác nhau trong những vùng khác nhau hay trong một vùng có thể chịu những tác động khác nhau do biến động nguồn lợi và khí hậu. Bởi vậy, không thể tìm kiếm một mô hình chung cho tất cả các vùng mà cần thiết kế và thực hiện chiến lược linh hoạt, với các giải pháp khác nhau phù hợp với điều kiện cụ thể.

Về chuyên mục

Về đầu trang