Người dân các huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng chống chọi với rét đậm, rét hại

8:43:25, 20/12/2023 Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nền nhiệt độ tại các huyện vùng cao tỉnh Cao Bằng như Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hà Quảng đang giảm sâu, xuất hiện tình trạng rét đậm rét hại. Người dân các huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng đang triển khai nhiều biện pháp chống chọi với rét đậm, rét hại.

Trong những ngày qua, nền nhiệt toàn bộ khu vực các huyện miền tây của tỉnh Cao Bằng như Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hà Quảng xuống thấp, chỉ từ 4-6 độ C, khu vực các xã biên giới Bảo Lạc và Phja Oắc, Phja Đén có khả năng xảy ra băng giá, sương muối. Nhiệt độ giảm sâu, thời tiết giá lạnh nên tại nhiều địa phương, người dân đã hạn chế ra đồng, lên nương rẫy mà các thành viên trong gia đình chủ yếu quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm.


Các thành viên trong các gia đình chủ yếu quây quần bên đống lửa, bếp lửa được đốt lên trong nhà, ngoài sân, bên đường để sưởi ấm.

Đi dọc tuyến quốc lộ 34 từ thành phố Cao Bằng qua trung tâm huyện Nguyên Bình đến huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm... không khó để thấy cảnh người dân đi xe máy dừng lại ven đường sưởi lửa. 

"Tôi mua than về nướng ngô nướng khoai ở đây. Làm một chậu than về sưởi lửa thôi. Về nhà ngủ thì đắp chăn ấm vào...đi làm đồng rất dễ bị cảm đấy", một người dân cho biết.

Là khu vực hàng năm thường xuất hiện băng giá, chính quyền các xã của huyện Nguyên Bình đã tuyên truyền, cập nhật cảnh báo tình hình rét đậm, rét hại đến người dân trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho người, gia súc, gia cầm và cây trồng.


Bà con quây bạt, trải rơm khô và nhốt trâu bò tại chuồng.

Ông Lý Phú Toàn (dân tộc Dao Tiền ở bản Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình) cho biết: Các loại gia súc, vật nuôi như trâu, lợn, gà, vịt đã được nhốt trong chuồng từ nhiều ngày qua: "Ở đây, nhà ông trưởng thôn có nhiều nhất là 10 con trâu, cạnh đường không được làm chuồng, thường cho lên đồi nhưng không xây được, rét lắm. Có lúc, sương muối làm gãy cả cành cây. Có lúc phải đuổi trâu qua suối, cho vào hang để nuôi. Khi cho vào hang thì không cần quây đâu".

Là địa phương có tổng số đàn trâu, bò trên 25.000 con, việc chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi như cỏ, ngô, thóc và nuôi nhốt trong những ngày giá rét đã giúp đàn gia súc, gia cầm hạn chế thiệt hại khi thời tiết khắc nghiệt.


Bà con chủ động cỏ, ngô, thóc để vật nuôi tăng sức đề kháng trong thời tiết khắc nghiệt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: huyện đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động hơn nữa các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, cây trồng.

"Huyện Bảo Lạc là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, mùa nóng rất nóng mà mùa rét cũng rất rét. Núi Phja Dạ có băng tuyết rất nhiều, một số vùng lân cận như xã Hồng An, xã Xuân Trường có thời điểm cũng xuất hiện băng tuyết. Việc phòng chống rét cho trâu bò, vật nuôi hàng năm được chúng tôi rất quan tâm, mua bạt cấp cho bà con che chắn chuồng trại, vận động bà con cách chăm sóc vật nuôi, trời lạnh không cho uống nước lã. Điều quan trọng nhất tôi cho rằng đó là từ ý thức của người dân", ông Hùng nói.


Những đàn trâu thả rông trên rừng được bà con ở xã Quang Thành (Nguyên Bình- Cao Bằng) lùa vào hang trong những ngày lạnh giá.

Rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ xuống thấp khiến nhiều người mắc bệnh về hô hấp, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và trẻ em. Số bệnh nhân cao tuổi và trẻ em nhập viện tại các Khoa Nội tim mạch, Khoa lão, Khoa nhi Bệnh viện đa khoa các huyện tăng 10 - 20%.

Các y, bác sĩ khuyến cáo: thời tiết rét đậm, rét hại, nền nhiệt rất thấp, việc bảo vệ sức khỏe rất quan trọng. Mỗi người cần giữ ấm cơ thể, giữ ấm nhà cửa, không đi tập thể dục quá sớm, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng.

Xem bài viết gốc tại đây

(Nguồn: vov.vn)

Về chuyên mục

Về đầu trang