Theo ghi nhận PV chiều 25/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lặng gió, trời không mưa. Tuy nhiên, điều này càng khiến nhiều người dân lo lắng, vì theo kinh nghiệm của người xưa, “mưa lặng gió dừng” là dấu hiệu của bão lớn.
Trước những lo lắng đó, nhiều người dân đã dùng dây, bao cát, bơm nước vào bao ni lông để chằng chống nhà cửa nhằm giảm thiệt hại nếu bão đổ bộ.
Tại huyện đảo Lý Sơn, Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn phối hợp cùng các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn huy động 100 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ giúp nhân dân, các cơ quan, trường học cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa để phòng, chống bão.
Thiếu tá Đỗ Ngọc Ngân - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn cho biết, đơn vị đã có lệnh trực 100% lực lượng sẵn sàng nhận nhiệm vụ giúp nhân dân ứng phó với cơn bão trong những ngày tới. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ thiệt hại do bão để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Tại TP. Quảng Ngãi, công tác ứng phó với bão Noru cũng đang rất khẩn trương. Nhiều hộ dân tất bật bơm nước vào bao ni lông chằng chống mái nhà trước khi siêu bão Noru đổ bộ.
“Nghe tin Noru là siêu bão, cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua, nên gia đình tôi rất lo lắng. Để gia cố nhà cửa, tôi dùng bao ni lông mang lên mái nhà, bơm nước vào để chằng mái nhà”, anh Phạm Đình Hải (trú phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi) cho biết.
Còn tại xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) là một xã ven biển, thường xảy ra thiệt hại nặng nề khi có bão lũ xảy ra, nhất là ở các thôn Phước Thiện, Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, Thanh Thủy. Do đó, khi nghe thông tin về siêu bão Noru, người dân ở đây chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Đang cố gắng kéo từng bao cát chằng chống ngôi nhà của gia đình, ông Nguyễn Thanh Phong (trú thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) cho biết, sống ở đây, bao năm phải hứng chịu rất nhiều cơn bão rồi nên không thể chủ quan được. “Nhìn trời lặng gió tôi rất lo, rút kinh nghiệm những đợt bão trước, chúng tôi phải chèn chống nhà cửa thật kỹ để giảm thiệt hại”, ông Mười nói.
Nhiều ngư dân khiêng thúng, ngư lưới cụ lên bờ, lèn cột cẩn thận để bảo vệ tài sản trước khi bão vào Biển Đông.
Ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết, đến thời điểm chiều 25/9, hầu hết tàu thuyền của xã đều đã vào bờ, tìm nơi trú, tránh. Hiện chỉ còn 2 chiếc đang về và gặp sự cố là chưa vào bờ, dự kiến chiều tối nay cũng sẽ tìm được vị trí an toàn để neo đậu.
“Ngày mai (26/9), xã sẽ bắt đầu vận động nhân dân di dời, phấn đấu trưa 27/9 sẽ di chuyển ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh”, ông Thính nói thêm.
Liên quan đến công tác ứng phó với bão Noru, chiều nay (25/9), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp khẩn và có công điện chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến bão.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tất cả các đơn vị, địa phương, từ 7 giờ ngày 26/9, tạm hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung công tác ứng phó bão Noru. Sở GD&ĐT tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, thông báo cho các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 7 giờ ngày 27/9 cho đến khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.