Nhận định của Tổ chức Nông - Lương của Liên hợp quốc về nạn đói ở Châu Á-Thái Bình Dương

18:51:0, 20/03/2012 Tại Hội nghị FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12-16/3/2012, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đánh giá, đã có gần 600 triệu người đang bị đói và suy dinh dưỡng ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dươg do trong vòng một thập kỷ qua giá lương thực đã tăng cao gấp hai lần.

Ảnh: www.fao.org.vn.
Theo ông Hiroyuki Konuma, Trợ lý Tổng giám đốc và đại diện khu vực của FAO cho biết: “việc xóa bỏ nạn đói trở nên phức tạp và thử thách hơn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” .

Ông Konuma cho biết thêm, việc biến động và tăng giá lương thực, những tác động của biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên thường xuyên, các chính sách thương mại, gía dầu thô tăng cao và việc sử dụng ngày càng tăng các cây lương thực cho nhiên liệu sinh học là những nhân tố phức tạp trong cuộc chiến chống nạn đói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho rằng, an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo là những vấn đề khẩn cấp và liên quan đến nhau khi 65% những người sống trong đói nghèo trên thế giới là ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện đang có 578 triệu người trên tổng số 925 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng. Điều này thể hiện một điều rằng hầu như không hề có sự thay đổi về số lượng người đói trong vòng 20 năm kể lại đây, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các nước có số người đói vẫn tăng dần ở hầu hết các quốc gia, trong đó có khoảng 91% trong số đó sống tại các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh, Indonesia và Philippines.

Nạn đói và suy dinh dưỡng là nguyên nhân dẫn đến 3,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hàng năm. Để nuôi sống dân số thế giới, dự kiến tới năm 2050, tốc độ sản xuất lương thực phải tăng đến mức 60% trên toàn cầu và ở mức 77% tại các nước đang phát triển.

Cũng theo ông Konuma vấn đề đặt ra là cần có sự đầu tư lớn hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triẻn cơ sở hạ tầng, mở rộng nông nghiệp, đào tạo, giảm thiểu mất mát sau mùa vụ và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững. Quan trọng không kém là sự thay đổi trong mô hình sản xuất lương thực do FAO chủ trương và việc này sẽ thúc đẩy đa dạng hóa nông nghiệp, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm việc trong sự hài hòa sinh thái. Các chính sách cũng là vấn đề cần được lưu ý, bao gồm thúc đẩy và ủng hộ nền nông nghiệp còn nghèo và phát triển nông thôn, tăng cường hợp tác xã nông dân và các tổ chức, đặc biệt bao gồm phát triển cho phụ nữ và đoàn kết trong và giữa các quốc gia./

Về chuyên mục

Về đầu trang