
Bốc dỡ hàng cứu trợ tại sân vận động xã Con Cuông.
Sáng 24/7, nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 7A bị ngập nặng, Quốc lộ 16 bị sạt lở nghiêm trọng. Phần lớn các tuyến giao thông huyết mạch kết nối với các xã miền tây Nghệ An vẫn bị tê liệt.
Nhiều nhà cửa bị cuốn trôi
Tại Sân bay Vinh, trực thăng liên tục cất, hạ cánh để kịp thời vận chuyển gần 20 tấn hàng hóa đến các bản, làng bị cô lập, nơi người dân thiếu đói nhiều ngày qua.
Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ phương án bay, lựa chọn điểm hạ cánh an toàn, bảo đảm hàng hóa đến đúng nơi, đúng người; đồng thời chỉ đạo hậu cần, quân y chuẩn bị sẵn hàng cứu trợ dự phòng để duy trì nguồn tiếp tế liên tục.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 cùng đoàn công tác đã đến xã Con Cuông, nơi chính quyền và hàng trăm người dân đã chờ sẵn tại sân vận động. Hàng cứu trợ nhanh chóng được khẩn trương dỡ xuống, chuyển tới tay người dân. Nhiều tuyến đường nơi đây chìm trong nước lũ, hàng chục bản làng bị chia cắt, bao quanh bởi dòng nước đục ngầu.
Ông Hồ Nghệ Sỹ (thôn Liên Tân) cho biết nhà bị ngập nặng từ đêm ngày 22 đến rạng sáng 23/7. “Hai vợ chồng già yếu, nước lũ dâng quá nhanh không kịp trở tay, giờ được Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 hỗ trợ thực phẩm, nước sạch, tôi rất mừng và cảm động,” ông Sỹ xúc động chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồ Đức, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Con Cuông, thông tin nước sông Lam dâng quá nhanh khiến nhiều khu vực vẫn còn ngập nặng. Toàn xã có hơn 650 nhà bị ngập, hơn một nửa hư hỏng nặng. Nhiều gia đình mất toàn bộ tài sản, lương thực, ruộng vườn, gặp rất nhiều khó khăn.
Trong ngày đầu cứu trợ, Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) thực hiện 4 chuyến bay trực thăng đến các xã Mường Xén, Mỹ Lý, Nhôn Mai, Con Cuông. Công ty Trực thăng miền bắc thực hiện 3 chuyến đến các xã Tương Dương, Mường Típ và Mường Ải. Để hàng cứu trợ đến tay người dân sớm nhất, các chuyến bay diễn ra liên tục, không nghỉ. Trước mắt ưu tiên vận chuyển thực phẩm, nước uống; sau đó tiếp tục tăng cường thuốc men và hàng cứu trợ dự phòng.
Bản Chắn, xã Tương Dương là điểm tiếp tế hàng cứu trợ cho bà con gặp khó khăn từ nhiều ngày qua. Đây là bản nằm sát sông Lam, cho nên người dân bị thiệt hại khá nặng nề, đến nay vẫn chưa thống kê hết. Địa hình bằng phẳng, nước rút là điều kiện thuận lợi để trực thăng có thể cất và hạ cánh. Hàng hóa nhanh chóng được vận chuyển, tập kết kịp thời chia cho người dân.
Trong dòng người đến nhận hàng cứu trợ, chị Lô Thị Thơ (bản Chắn) chỉ còn bộ quần áo lấm bùn đã mặc suốt ba ngày, nghẹn ngào cho biết đồ đạc trong nhà bị cuốn trôi hết. Bí thư Chi bộ bản Chắn Vi Dương Tiến xúc động: “Trong hoạn nạn, được Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước quan tâm, người dân ai cũng cảm động”.
Nước rút đến đâu, dọn dẹp vệ sinh đến đó
Tại xã Tương Dương, sau khi nước rút, bùn đất và cây cối từ thượng nguồn trôi về với khối lượng lớn. Gia đình ông Nguyễn Văn Thụ, bản Khe Bố, trở về sau sơ tán, toàn bộ tài sản bị nước lũ nhấn chìm. Ông Thụ cho biết: “Với lượng bùn đất ngập sâu đến cả mét, nếu không có các đồng chí bộ đội đến hỗ trợ thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới khắc phục xong”. Anh Trịnh Văn Hùng, khối Hòa Bắc, nói: “Lũ lên nhanh khiến toàn bộ tài sản, hàng hóa gia đình tôi gần như bị cuốn trôi hết”.

ộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường thêm lực lượng lên miền tây Nghệ An hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt.
Chủ tịch UBND xã Tương Dương Nguyễn Hồng Tài cho biết, trận lũ lịch sử này đã gây thiệt hại rất lớn cho địa phương. Ngay khi nước rút, chính quyền đã triển khai phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng, phương tiện và người dân khẩn trương khắc phục hậu quả.
Tại xã Con Cuông, ở những nơi nước đã rút, từ sáng sớm người dân cùng lực lượng chức năng tranh thủ thời tiết nắng ráo để dọn bùn đất. Tuy nhiên, nhiều điểm vẫn mất điện, gây khó khăn cho việc xịt rửa, làm sạch nhà cửa. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo vệ sinh, dọn dẹp theo phương châm nước rút đến đâu khắc phục đến đó”, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hoài An nói.
Chiều 23/7, Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) điều động 250 cán bộ, chiến sĩ đến các điểm ngập lụt hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Công an tỉnh Nghệ An cũng huy động 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ.
Sáng 24/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Dù nước đã rút một phần, người dân tuyệt đối không được chủ quan, cần bảo đảm an toàn tính mạng, tranh thủ vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh sau lũ. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Nghệ An không chủ quan, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân tránh xa các khu vực xung yếu, nguy hiểm.
Những ngày qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Sư đoàn 324 đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng 91 phương tiện xe, tàu, xuồng các loại hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Trung tướng Hà Thọ Bình cho biết, Quân khu 4 đã chuẩn bị khoảng 6.000 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cơ động khi cần thiết. Các chuyến bay cứu trợ tiếp tục được duy trì tùy diễn biến thời tiết, nhằm kịp thời tiếp tế lương thực, nước sạch, thuốc men cho các khu vực bị chia cắt./.
Xem bài viết gốc tại đây