Những ngày này, địa bàn tỉnh Nghệ An đang trải qua đợt rét đậm, rét hại nhất từ đầu mùa.
Đốt lửa suốt ngày đêm chăm sóc đàn vật nuôi tiền tỷ
Xã Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu) là một trong những địa phương có đàn hươu nuôi lớn nhất tỉnh Nghệ An. Vì thế, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, bà con phải sử dụng củi, đốt lửa để sưởi ấm cho hươu suốt ngày đêm.
Gia đình ông Hồ Văn Thích (SN 1975, xóm 3, xã Quỳnh Nghĩa) hiện nuôi 7 con hươu lấy lộc. Ông Thích cho biết, ngoài che chắn kín chuồng trại, ông còn sử dụng những gốc củi lớn đốt suốt ngày đêm sưởi ấm cho đàn hươu.
Năm nay, nhung hươu có giá trị từ 10 – 11 triệu đồng/kg
Gia đình ông Thích đốt lửa sưởi ấm trong khu vực chuồng trại nuôi hươu.
“Hươu là vật nuôi mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Đây là loài vật chịu được nóng chứ không chịu được rét. Những ngày này, tôi luôn vệ sinh chuồng trại khô ráo, sạch sẽ. Hươu khoẻ sẽ cho lộc to, đẹp mới bán được giá ”, ông Thích chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu) Tô Duy Hiền thông tin, hiện xã có trên 300 hộ nuôi hươu, với khoảng 1.300 con. Vào mùa đông, người dân phải lo che chắn kín chuồng trại và thường đốt lửa sưởi ấm cho hươu, để hươu phát triển tốt, cặp lộc hươu đảm bảo chất lượng.
“Đây là ‘thời điểm vàng’ để hươu phát triển lộc, đến tháng Giêng cho thu hoạch. Ngoài việc sưởi ấm suốt ngày đêm, muốn chăm sóc tốt cho hươu, bà con còn phải chủ động dự trữ nguồn thức ăn, đảm bảo thức ăn sạch, đầy đủ chất dinh dưỡng để lộc không bị teo”, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa chia sẻ.
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 1.000 hộ nuôi khoảng 11.000 con hươu. Bình quân mỗi năm sản lượng lộc (nhung) hươu đạt 5,5 tấn, người chăn nuôi thu về khoảng trên 55 tỷ đồng. Giá nhung hươu năm nay giao động từ 10 - 11 triệu đồng/kg.
Mặc áo, chong đèn sưởi ấm vật nuôi
Huyện biên giới Kỳ Sơn vừa ghi nhận băng tuyết phủ trắng cành cây. Tại khu vực chân cột mốc 420 trên đỉnh Puxailaileng thuộc bản Buộc Mú (xã Na Ngoi), nhiệt độ nhiều nơi xuống dưới 0 độ C.
Băng giá xuất hiện ở huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An giáp nước bạn Lào.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, huyện đã sớm chỉ đạo các xã, ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tu sửa, che chắn lán trại, đưa trâu bò thả rông về nhốt; mặc áo chống rét bằng vải bạt hoặc vải để ủ ấm; bổ sung thức ăn tinh bột, thức ăn xanh…
Ngoài các biện pháp trên, khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên theo dõi tình trạng đàn vật nuôi, báo cáo hội nông dân huyện, UBND xã, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện để kiểm tra, xử lý kịp thời khi vật nuôi có biểu hiện suy kiệt, xuất hiện triệu chứng bệnh do ảnh hưởng của giá rét.
Tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn… các hộ chăn nuôi đều thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, chống rét cho gia cầm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Kỳ Sơn Vi Oanh thông tin, đến thời điểm này mới chỉ ghi nhận 1 con trâu chết rét.
Bà con vùng cao huyện Kỳ Sơn che chắn lán trại.
Nhiều hộ gia đình may áo, mặc cho gia súc và đốt lửa sưởi ấm.
Những ngày giá rét, người dân vùng cao lùa trâu, bò từ rừng về chuồng, không thả rông gia súc, chủ động nguồn thức xanh.
Chủ động cho bò ăn thức ăn chống chọi qua đợt rét.
Duy trì nền nhiệt đủ ấm cho gia cầm, các hộ chăn nuôi đều lắp đặt hệ thống đèn sưởi trong chuồng trại.