Phòng ngừa thiên tai từ sớm, từ xa

8:9:8, 18/07/2023 Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã chịu ảnh hưởng của 19 trong số 22 loại hình thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, do ảnh hưởng của El Nino, tình trạng nắng nóng, khô hạn đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm.


Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang triển khai diễn tập phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thực hành tình huống sơ cấp cứu ban đầu cho người bị nạn.

Từ tháng 3 đến tháng 5, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước tại khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tính đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn quốc gia, thiên tai trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường.
Hiện tượng El Nino đã xuất hiện và duy trì trạng thái đến năm 2024; số ngày nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn nhất là tại khu vực Trung Bộ.
Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 12/2023, có khoảng từ 9-13 cơn bão trên biển Đông, đề phòng bão diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo và cường độ.
Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía bắc; trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông miền trung và Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng được dự báo năm nay hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt hơn, đi kèm với nó là hiện tượng sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tại huyện Châu Thành vừa xảy ra sụp lún, sạt lở đất bờ kênh tại Di tích Địa điểm cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ, thuộc kênh Ngã Lá, ấp Phú Lễ A, xã Phú Tân, với chiều dài sạt lở 15 m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 5 m, diện tích mất đất gần 75 m2. Vụ sạt lở đã làm sụp bờ kè bê-tông cốt thép.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 58 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, bờ kênh, với tổng chiều dài 1.420 m, diện tích mất đất 8.725 m2. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 42 điểm sụt lún, sạt lở đất. Còn tại thị trấn An Phú, huyện An Phú (An Giang), ngày 11/7 sạt lở, sụt lún cũng xảy ra ở bờ bắc kênh Mới, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Tại các tỉnh miền núi phía bắc, mới đầu mùa mưa bão, nhưng mưa lớn, làm sạt lở đất đã làm bốn người chết, nhiều tài sản bị thiệt hại ở hai tỉnh Điện Biên và Hà Giang.
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, để chủ động phòng chống thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, Cục luôn chủ động tham mưu "từ sớm, từ xa" công tác chỉ đạo ứng phó, kịp thời triển khai nhiệm vụ, phối hợp kịp thời với các bộ, ngành, địa phương nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.
Ngay sau các đợt thiên tai, Cục tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn đánh giá, thống kê số liệu thiệt hại; khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, nhất là về dân sinh và phục hồi sản xuất.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai luôn sẵn sàng tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả được kịp thời, hiệu quả; tham mưu chỉ đạo vận hành các liên hồ chứa, nhất là lưu vực sông Hồng bảo đảm an toàn công trình, hạ du và sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Đồng thời, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều. Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Thường trực, kiểm tra, theo dõi sự cố đê điều, hướng dẫn, đề xuất biện pháp xử lý đối với hệ thống đê điều từ cấp III trở lên trong mùa mưa, bão.
Cùng với đó, trong vùng trọng điểm xảy ra sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đang đẩy nhanh kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tập trung vào các khu vực đang có diễn biến sạt lở phức tạp; kết hợp hài hòa giữa biện pháp công trình và phi công trình trong đó chú trọng việc di dời dân cư bảo đảm an toàn về người và tài sản.

(Nguồn: nhandan.vn)

Về chuyên mục

Về đầu trang