Tại hội thảo, bên cạnh việc giới thiệu bộ tài liệu truyền thông phòng chống thiên tai dành cho người khiếm thị, các đại biểu cũng đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho việc phòng chống thiên tai của người khiếm thị. Các biện pháp tập trung vào việc người khiếm thị cần ứng phó như thế nào trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão, lũ lụt. Theo đó, người khiếm thị cần phải xây dựng quan hệ tốt với cộng đồng, thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, thông báo của chính quyền để chủ động phòng tránh. Đặc biệt, trong khi có mưa bão, lũ lụt, người khiếm thị cần phải kịp thời sơ tán và trú ẩn tại nơi an toàn, chủ động tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh, thu hút sự chú ý của mọi người khi cần bằng cách kêu to, la hét, thổi còi…Khi bắt buộc phải ra ngoài, người khiếm thị cần có người sáng mắt dẫn đi và phải hết sức thận trọng. Sau khi mưa bão, lũ lụt đã xảy ra, người khiếm thị cần chú ý làm quen với những thay đổi về địa vật để được an toàn trong khi di chuyển. Người khiếm thị có thể giúp đỡ gia đình dọn dẹp nhà cửa và tham gia các cuộc họp bàn bạc về các giải pháp thực hiện sau lũ. Bên cạnh đó, người khiếm thị cần tiếp tục theo dõi thông tin và các hoạt động trợ giúp khắc phục hậu quả mưa bão để có thể tiếp cận kịp thời.
Do biến đổi khí hậu, diễn biến của thiên tai tại Việt Nam ngày càng phức tạp, gần đây, nước ta càng phải chịu nhiều cơn bão có sức phá hoại lớn hơn, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc ứng phó với thiên tai, đặc biệt người khiếm thị lại càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Vì thế, việc đưa ra các biện pháp giáo dục cho người khiếm thị để ứng phó với thiên tai là một việc làm rất quan trọng và cần được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.