Thành phố Hạ Long tan hoang, thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 tàn phá.
Những ngày cuối tháng Chín, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) trở lại nhịp sống bình thường sau siêu bão Yagi. Ít ai biết rằng chỉ hai tuần trước, nơi đây vẫn còn ngổn ngang, hoang tàn bởi sức tàn phá khủng khiếp bởi thiên tai.
Đứng lên từ đống đổ nát, người dân và chính quyền thành phố Hạ Long đang đồng lòng khắc phục, vực dậy trở lại một thành phố biển tràn đầy sức sống.
‘Chạy đua với thời gian’ tái thiết thành phố
Là thành phố biển trung tâm của Quảng Ninh, Hạ Long cũng là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão số 3. Đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hàng nghìn cây xanh bị đổ sập, đường sá giao thông chia cắt, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng. Cơn bão đã đưa nơi đây trở lại những ngày tháng không điện, không nước, viễn thông gần như tê liệt…
Ngay sau khi bão số 3 giảm cường độ, nhằm khắc phục hậu quả một cách nhanh nhất, chính quyền và người dân thành phố đã nhanh chóng triển khai các công tác phòng chống cứu hộ, cứu nạn đồng thời khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long cho biết với tinh thần “thần tốc, xuyên đêm, vượt bão, thắng mưa,” thành phố đã ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND ngày 9/9/2024 về việc triển khai chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố Hạ Long, từ ngày 9/9/2024 đến hết ngày 15/9/2024.
Theo đó, cán bộ, nhân dân, các lực lượng trên địa bàn thành phố đã tranh thủ từng giờ, từng phút, không quản ngày đêm tham gia thu dọn, xử lý, khắc phục hậu quả của cơn bão một cách nhanh nhất. Đặc biệt là tập trung toàn lực thu dọn, xử lý, khắc phục cây cối gãy đổ, công trình hư hại, tổng vệ sinh môi trường toàn thành phố, nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục các hoạt động du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh, đưa thành phố trở lại hoạt động bình thường.
Người dân Hạ Long bắt tay vào khắc phục những hậu quả sau cơn bão.
Tại địa bàn Phường Bãi Cháy, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cho biết ngay từ khi nhận chỉ đạo từ thành phố, phường đã thành lập 4 tổ công tác, phân lãnh đạo làm tổ trưởng trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý, khắc phục tại hiện trường, thu dọn đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, chống ngập úng, sạt lở; thành lập 25 tổ tình nguyện khắc phụ hậu quả sau cơn bão số 3, qua đó hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân trước tác động của bão.
“Sau bão, toàn bộ cán bộ trong phường, lực lượng dân quân, cựu chiến binh, lực lượng phụ nữ… đã được huy động để hỗ trợ người dân dọp dẹp đường phố vệ sinh môi trường cùng người dân. Trong 7 ngày cao điểm, ngày nào các cán bộ cũng chạy hết công suất từ 6 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm để kịp thời khắc phục, trả lại đường phố xanh, sạch, đẹp cho khu phố,” ông Tùng cho hay.
Những ngày cao điểm trên, hình ảnh quen thuộc thường thấy là người dân ở các thôn, khu dân cư cặm cụi cùng lực lượng chức năng địa phương dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục những hậu quả còn lại của cơn bão. Cây đổ, mảnh vỡ, rác thải… được thu gom gọn gàng; nhà cửa, đồ dùng bị bão làm hư hỏng được người dân hỗ trợ nhau vệ sinh, dọn dẹp, tạo nên tinh thần đoàn kết rất lớn.
Là người dân thuộc tổ 11, thôn 7, phường Bãi Cháy, chị Bùi Thị Quỳnh cho biết bão số 3 đã làm gãy đổ nhiều cây xanh, khiến đường làng ngập đầy bùn đất và rác thải. “Chúng tôi không khỏi tiếc nuối khi nhìn thấy cây cối bị đổ gãy la liệt. Vì vậy, người dân trong thôn đã cùng nhau chung tay dọn dẹp, trồng lại cây xanh và khơi thông cống rãnh để khắc phục hậu quả của bão,” chị Quỳnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong quá trình khắc phục hậu bão, việc thực hiện còn gặp phải một số khó khăn nhất định do một số điểm trên địa bàn còn đang mất điện, do đó máy móc sử dụng cho việc dọn dẹp ở các địa hình khó cũng chưa đáp ứng đầy đủ được nhu cầu.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hạ Long cho biết theo Chỉ đạo của thành phố, các doanh nghiệp lớn, nhỏ thuộc đã huy động trên 200 xe ôtô vận tải và trên 100 máy xúc thi công dọn dẹp cây đổ, rác thải tại các bãi biển miễn phí cho 33 phường xã trên địa bàn thành phố Hạ Long.
“Mặc dù các doanh nghiệp cũng đang chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão nhưng với tinh thần ‘lá rách ít đùm lá rách nhiều’ cũng đã chung tay hỗ trợ tới người dân hàng nghìn suất cơm miễn phí nghĩa tình, hàng chục chiếc máy lọc nước, hỗ trợ sửa chữa mái nhà cùng tiền mặt với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng…,” ông Cảnh nói thêm.
Lực lượng ngành Điện, ngành Viễn thông nhanh chóng khắc phục, sửa chữa các hạ tầng để phục vụ người dân.
Cùng với thần tốc cứu hộ, cứu nạn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà cửa bị hư hỏng, công tác khắc phục tình trạng tê liệt điện lưới, nước, thông tin trên địa bàn thành phố cũng được ngành Điện, Nước, Viễn thông tập trung tối đa nhân lực, làm việc xuyên ngày đêm để khắc phục thiệt hại, sớm cung cấp những điều kiện sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân…
Từ những nỗ lực trên, theo báo cáo từ Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, trong vòng 7 ngày, thành phố đã huy động được gần 65.000 lượt người tham gia khắc phục hậu quả sau bão, trên 1.000 phương tiện vận chuyển, 922 cưa máy đã được huy động phục vụ cắt cây. Gần 600 tổ tình nguyện tại các thôn, khu phố đã được kích hoạt với số lượng người tham gia lên đến hàng nghìn người để thực hiện công tác dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả thiên tai…
Quyết tâm ‘hồi sinh’ miền di sản
Thành phố Hạ Long từ cảnh tan hoang, đổ nát giờ đã cơ bản được khắc phục và trở lại sạch, đẹp hơn. Đến thời điểm hiện tại 100% tuyến đường, khu phố hiện đã được dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường; trên 50.000m3 rác phế thải đã được thu dọn vận chuyển; hơn 80% số cây xanh bị nghiêng, đổ đã được phục dựng; trên 70% đơn vị, xã phường đã có điện trở lạ; 100% tuyến đường giao thông đã đảm bảo thông suốt. 100% trường học, bệnh viện đã trở lại hoạt động và đảm bảo an toàn. Các hoạt động ăn uống, du lịch, dịch vụ, tham quan vịnh Hạ Long đã được khôi phục; hoạt động sản xuất kinh doanh đã từng bước phục hồi…
Hình ảnh thành phố biển vùng vịnh gọn gàng, sạch sẽ đã được khôi phục lại, tuy chưa thực sự được như trước khi bão đổ bộ, nhưng đã để lại trong nhân dân, du khách nhiều cảm nhận, tinh thần tích cực về thành phố, con người Hạ Long tự lực, tự cường và đoàn kết.
Anh Je Dong-Sun, du khách Hàn Quốc du lịch tại Hạ Long cho biết: “Trên đường đi chúng tôi có nghe tin về cơn bão tàn phá thành phố khủng khiếp nhưng khi đến nơi mọi thứ đã được khắc phục rất nhanh chóng, khách sạn vẫn đảm bảo tốt các điều kiện nghỉ dưỡng cho khách. Nếu có cơ hội tôi sẽ trở lại để thấy được thấy thành phố đẹp đẽ và xanh tươi hơn.”
Mặc dù vậy, khối lượng công việc khắc phục sau bão vẫn còn rất lớn. Do đó, để hoàn thành mục tiêu xây dựng lại thành phố xanh, sạch, đẹp như trước, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đều thể hiện quyết tâm, nỗ lực, chung tay khắc phục, chỉnh trang, kiến thiết thành phố.
Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành uỷ Hạ Long cho biết sau chiến dịch 7 ngày thành phố Hạ Long tiếp tục huy động tổng lực dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các khu dân cư và chiến dịch làm sạch vịnh Hạ Long; tổ chức chỉnh trang lại đô thị. Cùng với đó, nhanh chóng quy hoạch, định hướng các khu vực trồng cây xanh, trồng hoa, xây dựng không gian đô thị phát triển bền vững nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố của hoa,” “Thành phố lễ hội”…
Hạ Long nhanh chóng đón khách trở lại sau khi khắc phục cơn bão số 3.
Với phương châm “Không để ai không có nhà ở, không để ai bị bỏ lại phía sau,” thành phố Hạ Long đang triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và thành phố để người dân khắc phục thiệt hại sau cơn bão. Hiện thành phố đã hỗ trợ khẩn cấp 14 tỷ đồng cho 33 xã, phường để triển khai khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người tử vong, bị thương, thiệt hại nặng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, các hộ dân phải di dời khẩn cấp và nhân dân tại khu vực bị chia cắt do mưa bão. Hiện nay, thành phố đang rà soát, thống kê và triển khai hỗ trợ các hộ dân có nhà bị đổ sập, hư hỏng nặng, các hộ phải di dời khẩn cấp, dự kiến tổng số tiền hỗ trợ trên 30 tỷ đồng...
Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý rừng, mặt biển, đất đai, nhất là những khiếm khuyết trong quản lý nhà nước bộc lộ phát sinh sau bão.; thực hiện giải pháp quản lý nhà nước về tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường đồng thời ghiên cứu, đề xuất các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn công trình xây dựng và hệ thống cây xanh lựa chọn trồng ven biển; các tiêu chuẩn cho nghề nuôi biển...
Bên cạnh đó, Bí thư thành ủy Hạ Long cũng cho biết thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước; triển khai, thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh,” bảo tồn, bảo vệ môi trường, phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long và vịnh Cửa Lục.
Với quyết tâm, tinh thần vượt khó, biến khó khăn, sự đoàn kết, đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân, hy vọng rằng thành phố Hạ Long sẽ sớm kiến thiết lại thành phố đẹp hơn, hiện đại hơn, tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”./.
Thành phố biển Hạ Long gọn gàng, sạch sẽ đón khách tham quan sau bão.
Xem bài viết gốc tại đây