Tập trung lực lượng để khắc phục hậu quả bão số 1

15:51:0, 04/04/2012 Theo tổng hợp ngày 2-4 của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương: Bão số 1 đã tan nhưng cơn bão này đã gây ra nhiều thiệt hại. Theo báo cáo bước đầu của các địa phương, bão đã làm 7 tàu neo đậu tại bến bị sóng đánh chìm (Phú Yên 1; Khánh Hòa 1; Bình Thuận 3; Ninh Thuận 2); 4 tàu bị hư hỏng (Phú Yên 1; Quảng Ngãi 2; Bình Thuận 1). Mưa bão cũng làm sập đổ 195 ngôi nhà; 1.373 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 7 trường học bị hư hỏng; 8.600ha lúa bị đổ; 121,8ha rau màu bị hư hại.

Theo tổng hợp ngày 2-4 của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương: Bão số 1 đã tan nhưng cơn bão này đã gây ra nhiều thiệt hại. Theo báo cáo bước đầu của các địa phương, bão đã làm 7 tàu neo đậu tại bến bị sóng đánh chìm (Phú Yên 1; Khánh Hòa 1; Bình Thuận 3; Ninh Thuận 2); 4 tàu bị hư hỏng (Phú Yên 1; Quảng Ngãi 2; Bình Thuận 1). Mưa bão cũng làm sập đổ 195 ngôi nhà; 1.373 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 7 trường học bị hư hỏng; 8.600ha lúa bị đổ; 121,8ha rau màu bị hư hại.

                                                                                                                                                            
                                                                                                                                                                                                             
 
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giúp dân thu dọn cây xanh gãy, đổ, giải tỏa ách tắc giao thông. Ảnh: Đoàn Sơn
 

Để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương làm Trưởng đoàn trực tiếp tới các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo đối phó với cơn bão số 1. 

Hiện nay, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đang phối hợp với các địa phương tham gia tổ chức trục vớt tàu chìm. 

* Lũ các sông miền Trung - Tây Nguyên đang lên

Từ đêm 1-4 đến sáng 2-4, các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa to đến rất to trong khi lũ các sông lên nhanh. Lượng mưa phổ biến đo được từ 80-120mm, trong đó một số nơi mưa rất to như Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) 196mm, Phước Hà (Ninh Thuận) 158mm. Các tỉnh Tây Nguyên từ Gia Lai đến Đắc Nông mưa vừa có nơi mưa to, lượng mưa từ 20-50mm. Lũ các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, khu vực nam Tây Nguyên và Đồng Nai đang lên với biên độ nước từ 0,5 - 3,2m. Trong ngày 2-4, lũ tiếp tục lên và lũ các sông Khánh Hòa, Ninh Thuận đạt đỉnh. Đỉnh lũ tại Tân Mỹ dự kiến ở mức 38,1m, trên báo động 3 là 0,1m, các sông khác đạt mức báo động 1 - báo động 2. Hầu hết các hồ chứa thủy lợi ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đều có dung tích trữ nước cao hoặc gần đầy, trên 80% dung tích thiết kế. Riêng hồ thủy lợi Hội Sơn, Vạn Hội (Bình Định) có mực nước hiện đã qua tràn. 

* TP Hồ Chí Minh: Rút kinh nghiệm trong công tác ứng phó với bão

Tính đến trưa 2-4, bão số 1 đã gây thiệt hại tại 24 quận, huyện TP Hồ Chí Minh với 13 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 400 cây xanh ngã, đổ, hơn 260 căn nhà, trường học bị tốc mái, hư hại nặng. Trong đó, huyện Cần Giờ bị nặng nhất với 13 căn nhà bị sập hoàn toàn, 53 căn bị tốc mái; quận Thủ Đức có 48 căn nhà bị tốc mái, 112 cây xanh bị ngã đổ…

Trong ngày 2-4, Thường trực Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc họp khẩn với sự tham dự của các ban, ngành, quận, huyện để nắm bắt tình hình và triển khai công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 1 gây ra tại TP Hồ Chí Minh và chỉ đạo triển khai các biên pháp khắc phục, ổn định đời sống người dân; tiếp tục thống kê thiệt hại để Đảng bộ và chính quyền thành phố có giải pháp hỗ trợ. Bên canh đó, cần đánh giá rút kinh nghiệm tại các quận, huyện chưa chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra. Đây là cơn bão được xem là lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ vào TP Hồ Chí Minh. Do đó, các đơn vị cần bố trí lại hoạt động của lực lượng tại chỗ để trong mọi tình huống phải kịp thời giải quyết các sự cố bất thường có thể xảy ra.

* Đến 15 giờ 30 phút ngày 2-4, kế hoạch đưa hơn 1.700 người dân từ thị trấn Cần Thạnh trở về nhà ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ sau khi cơn bão số 1 đi qua đã được Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh hoàn tất, đảm bảo an toàn. Bên cạnh công tác giúp dân di chuyển, tránh trú bão an toàn, lực lượng Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh và các Đồn biên phòng đóng quân ở huyện Cần Giờ đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giúp dân khắc phục, sửa sang nhà cửa hư hại do bão số 1 gây nên. Trước khi cơn bão ập vào đất liền, ngay trong ngày 1-4, hơn 230 cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh và hai Đồn biên phòng Cần Thạnh, Thạnh An và Hải đội 2 cùng với 4 tàu đã được huy động tham gia ứng cứu, phòng chống lụt bão, tổ chức di dời hơn 1.700 người dân từ xã đảo Thạnh An về thị trấn Cần Thạnh trú tránh bão an toàn, di dời tài sản và chằng chống hàng trăm nhà dân.

 
                        
                      
 
 Dân quân huyện Xuyên Mộc mở tuyến kênh giải phóng ngập úng ở xã Bình Châu.
Ảnh: Đoàn Sơn
 
 

*Bà Rịa - Vũng Tàu: Dồn sức để khắc phục hậu quả thiên tai

Sáng 2-4, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã họp khẩn bàn biện pháp khắc phục hậu quả bão số 1. Dù không có thiệt hại về người nhưng bão số 1 đã làm 19 người bị thương, 119 căn nhà bị sập hoàn toàn, 1.748 căn nhà tốc mái, 66 tàu, ghe bị chìm. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, ban, ngành khẩn trương thống kê thiệt hại, nhanh chóng hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại theo mức quy định của Nhà nước, giúp dân sớm ổn định cuộc sống. 

Cũng trong sáng 2-4, Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã điều thêm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, dân quân, dưới sự chỉ huy của Đại tá Đinh Văn Hùng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cơ động về các xã ven biển thuộc huyện Xuyên Mộc giúp dân khắc phục hậu quả bão số 1. Cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã chia thành các nhóm giúp dân dựng, lợp lại nhà cửa, thu dọn cây bị gãy, đổ, dọn vệ sinh môi trường. Tính đến hết ngày 2-4, lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động 3.513 ngày công phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 1.

* Đồng Nai: Chủ động đối phó với lũ lớn

Tại Đồng Nai, bão số 1 đã làm một người chết, 19 căn nhà bị sập, 693 căn nhà bị tốc mái, 22 chiếc xuồng bị chìm, 25 bè cá bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 40 trạm điện bị hư hỏng. Hiện lũ từ thượng nguồn sông Đồng Nai đang đổ về hạ lưu với cường độ lớn. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, ban, ngành kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các bến đò ngang và phương tiện giao thông thủy trên sông Đồng Nai, triển khai lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ. Trong ngày, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai đã huy động hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân xuống địa bàn giúp đỡ nhân dân dân khắc phục hậu quả bão số 1 và thường trực ứng phó với các tình huống do lũ. 

* Phú Yên: Hàng nghìn héc-ta lúa đổ ngã do mưa bão

Do ảnh hưởng của bão số 1, trong 3 ngày (từ 31-3 đến 2-4), trên địa bàn tỉnh Phú Yên mưa to kèm theo gió lớn khiến hàng nghìn héc-ta lúa vụ đông xuân đang thời kỳ chín, chắc xanh bị ngã đổ; một số nơi bị chìm sâu trong nước.

Tại TP Tuy Hòa có 160ha lúa thì có đến 2/3 trong số này bị đổ ngã. Huyện Phú Hòa có trên 700ha lúa đổ ngã, trong đó 100ha lúa bị ngập trong nước. Còn tại huyện Đông Hòa có trên 4.600ha lúa đông xuân, bà con nông dân mới bắt đầu thu hoạch một số trà đầu, còn lại đa số bị đổ ngã. 

Hiện trời vẫn tiếp tục mưa vừa đến mưa to, lúa bị ngập sâu trong nước, nhiều người dân ở An Định, An Nghiệp… (huyện Tuy An) tranh thủ gặt và đưa lúa bó chất lên bờ ruộng cao nhưng vẫn nơm nớp sợ nước cuốn trôi.

* Bình Dương: Nhiều nơi bị mất điện

Tại Bình Dương, thống kê ban đầu vào trưa 2-4 cho thấy, bão số 1 đã làm khoảng 200 căn nhà bị tốc mái, trong đó 8 căn nhà cấp 4 bị sập, 4 người bị thương, hàng chục héc-ta hoa màu, nhiều cây xanh bị gãy đỗ. Hai địa bàn của tỉnh Bình Dương là thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An và huyện Tân Uyên bị thiệt hại nặng. Theo Công ty Điện lực Bình Dương, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 35 sự cố điện, gây gãy đỗ 40 trụ điện trung hạ thế khiến nhiều khu vực bị mất điện. Điện lực Bình Dương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để khắc phục sự cố, sớm cấp điện trở lại.

*Cơ bản thông đường từ Nha Trang-Đà Lạt

Đến 2 giờ sáng 2-4, đoạn đường từ Nha Trang đi Đà Lạt đã cơ bản thông tuyến, nhưng mặt đường bị hư hỏng nặng, gây trở ngại cho các phương tiện lưu thông. Trước đó, tối 1-4, mưa lớn kéo dài gây sạt lở tuyến đường từ thành phố Nha Trang đi thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đoạn qua đèo Hòn Giao, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ngay trong đêm qua, Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa đã điều người và phương tiện của Hạt Cầu đường Khánh Vĩnh đến san ủi mặt bằng, đến 2 giờ sáng đã cơ bản thông tuyến. Trước mắt, các lực lượng đang tập trung thông tuyến, giải tỏa ùn tắc giao thông, sử dụng mìn để phá vỡ những khối đá lớn. Sau khi thông tuyến, đường khô trở lại mới tiến hành làm lại mặt đường.

Về chuyên mục

Về đầu trang