Thảm họa "Thiên nga đen" sẽ hiện hữu nếu chủ quan, xem nhẹ bảo vệ đê điều

8:29:29, 14/06/2022 Biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng dị thường, cực đoan và khó lường, nếu cứ chủ quan xem nhẹ việc quản lý, bảo vệ, xây dựng, tu bổ đê điều,...thảm họa "Thiên nga đen" sẽ hiện hữu.

Vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng nghiêm trọng, gia tăng ở nhiều nơi

Theo báo cáo tại Hội nghị Hội nghị chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2022, tại Việt Nam, hệ thống đê điều có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm và có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đơn thuần là công trình phòng, chống lũ lụt, mà còn là chứng tích lịch sử, mang trong mình nhiều dấu ấn quá khứ của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh sinh tồn trước thiên tai lụt, bão.

Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công trình đê điều có quy mô rất lớn, với chiều dài khoảng 9.220 km đê (6.458 km đê sông, 1.171 km đê cửa sông, 1.320 km đê biển). Trong đó, hơn 2.740 km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt, cùng với số lượng khổng lồ các công trình trên tuyến, với hơn 1.035 km kè bảo vệ đê, 1.563 cống dưới đê, 632 kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão, 1.405 điếm canh đê,… Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có khoảng 44.545 km đê bao, bờ bao với nhiệm vụ chủ yếu là chống lũ thời vụ.

Cùng với hệ thống hồ chứa thượng nguồn các dòng sông góp phần giảm thiểu và điều tiết lũ, hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng, là thành trì vững chắc trước thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Trải qua nhiều giai đoạn với những thay đổi về tên gọi và tổ chức bộ máy quản lý đê điều và phòng chống lũ lụt, ngày nay, Vụ Quản lý đê điều trực thuộc Tổng cục Phòng, chống  thiên tai (PCTT) là cơ quan Trung ương được phân giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực đê điều trong phạm vi cả nước.

Tại các tỉnh, thành phố có đê, đội ngũ kiểm soát viên đê điều được tổ chức thành các Hạt Quản lý đê thuộc các Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão/Chi cục Thủy lợi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp quản lý hơn 2.740 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, song công tác tổ chức quản lý hệ thống đê điều luôn được chú trọng thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản.

Hàng năm, trước mùa mưa lũ, Vụ Quản lý đê điều đều tham mưu cho Tổng cục PCTT trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Chỉ thị gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, xác định các trọng điểm xung yếu, xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm và triển khai trên thực tế theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý đê chuyên trách và phối hợp với lực lượng quân đội để sẵn sàng triển khai ứng phó hộ đê, chống lụt.

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, ông Trần Công Tuyên - Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục PCTT) cho biết, đến nay, chỉ tính trên 2.740 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại trên 242 trọng điểm đê điều xung yếu phải xây dựng phương án bảo vệ trong mùa lũ; 316 km đê còn thấp, thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế; 498 km đê còn nhỏ hẹp, chưa đủ mặt cắt thiết kế; 174 km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 386 cống cũ, hư hỏng; 233 km kè hư hỏng, xung yếu…

Trước sức ép của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng đất đai, vật liệu xây dựng ngày càng cao nên tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều gia tăng ở nhiều địa phương, nhất là vi phạm tập kết vật liệu với quy mô lớn trên bãi sông và trong hành lang bảo vệ đê, xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép trên bãi sông và lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ.

“Nhiều vụ vi phạm đê điều có mức độ và quy mô vi phạm rất nghiêm trọng. Trong khi đó, việc ngăn chặn, xử lý vi phạm còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng chưa xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm còn nhiều. Ở một số địa phương, việc cấp phép xây dựng công trình ở bãi sông chưa tuân thủ các quy định của Luật Đê điều, dẫn đến việc xử lý, giải tỏa vi phạm khi công trình đã được địa phương cấp phép là rất khó khăn; một số nơi còn xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh dẫn đến việc xử lý không dứt điểm, gây khiếu kiện kéo dài”, ông Tuyên cho hay.

Xuất hiện tâm lý chủ quan xem nhẹ việc quản lý, bảo vệ, xây dựng, tu bổ đê điều

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, từ sau trận lũ năm 2002 chưa xảy ra lũ lớn, nên đã xuất hiện tâm lý chủ quan ở một bộ phận không nhỏ người dân và một số chính quyền địa phương các cấp cho rằng các hồ chứa thủy điện đầu nguồn hiện nay đã đủ năng lực cắt lũ đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều và khu vực hạ du. Điều này đặc biệt nguy hiểm và đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý, bảo vệ và củng cố đê điều. Từ chủ quan cho rằng không có lũ lớn dẫn đến buông lỏng quản lý, xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều, ít quan tâm đầu tư nâng cấp, củng cố đê điều, gia tăng hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến mưa lũ bất thường, mặc dù đã có hệ thống hồ điều tiết ở thượng lưu, nhưng nếu có những hình thái thời tiết mưa lớn cực đoan trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình vào thời điểm các hồ đã tích đầy nước, nguy cơ xảy ra lũ lớn là hiện hữu sẽ đe dọa trực tiếp an toàn hệ thống đê điều.

“Nếu chẳng may xảy ra lũ lụt gây vỡ đê trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình thì hàng chục triệu người, hàng loạt các thành phố lớn, các trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương… sẽ bị thiệt hại, đây thực sự là thảm họa quốc gia, kéo lùi lịch sử nước ta hàng chục năm phát triển”, ông Tuyên chia sẻ thêm.

Thực tế những năm vừa qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động làm cho tình hình thiên tai lụt, bão diễn ra ngày càng cực đoan, trái quy luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhiều nước trên thế giới cũng như trong nước. Trận lụt kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11/2011 tại Thái Lan đã làm 747 người chết, mất tích, hơn 4,2 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính lên tới 45 tỉ USD; được coi là trận lũ lụt tồi tệ nhất tính về lượng nước và số người dân chịu ảnh hưởng.

Ở Trung Quốc, mưa lớn, liên tục từ đầu tháng 6/2020 đã khiến cho mực nước vượt mức nước lũ lịch sử trên 53 con sông, làm vỡ đê, ảnh hưởng đến hơn 70 triệu người, 271 người chết và mất tích, 4,7 triệu người phải di dời khẩn cấp, 54.000 ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại trên 35 tỷ USD. Nhiều chuyên gia trên thế giới phân tích, chính quan điểm cho rằng đập Tam Hiệp đủ khả năng điều tiết, cắt lũ cho vùng hạ du và việc khai thác quá mức khu vực bãi sông để xây dựng cở sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội làm giảm không gian thoát lũ đã làm cho tình hình lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên đây không phải thảm họa tồi tệ nhất ở Trung Quốc, trước đó, đập Bản Kiều trên sông Hoàng Hà được xây dựng và hoàn thành năm 1952 với sự trợ giúp của Liên Xô, đến năm 1975 bị sụp đổ giết chết hàng chục ngàn người, ước tính chính thức được công bố 2 thập kỷ sau đó. Đây là một trong những thảm họa được xem là tồi tệ nhất của nhân loại và được mang tên "Thiên nga đen".

Hay như nhiều nước phát triển, có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, khả năng dự báo chính xác cũng như đã đầu tư xây dựng công trình đê điều, phòng chống lũ lụt rất quy mô, hiện đại nhưng cũng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Ở Nhật Bản, bão Hagibis năm 2019 gây mưa, lũ đã làm 89 người chết và mất tích, 140 điểm đê bị vỡ, hơn 56.000 ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn. Mưa lũ ở Châu Âu vào tháng 7 năm 2021 đã làm 260 người chết (riêng Đức 250 người), ước thiệt hại 12 tỉ USD.

Từ năm 2017 đến nay, mưa lũ ở nước ta diễn biến hết sức cực đoan, bất thường, liên tiếp xảy ra những trận bão, lũ lớn, đặc biệt lớn, vượt mức nước lũ lịch sử liên tiếp trong các năm 2017, 2018, 2020. Điển hình là lũ lớn trên hệ thống sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã,… năm 2017, lũ sông Hoàng Long vượt lũ lịch sử năm 1985 là 29cm, làm 82km đê đã bị tràn và xấp xỉ tràn, gây ra 242 sự cố đê điều; lũ trên các sông Bứa, Đáy, Hoàng Long, Bùi, Bưởi vượt trên mức BĐ3 vào năm 2018, đặc biệt lũ trên sông Bứa, tỉnh Phú Thọ vượt lũ lịch sử năm 1975 là 1,26m. Năm 2020, các trận lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra trên 16 tuyến sông chính ở miền Trung (07 tuyến sông vượt mức nước lũ lịch sử) đã gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

Trước thực tế và yêu cầu cấp bách trên, Tổng cục PCTT đã có nhiều giải pháp căn cơ, tổng thể kết hợp với những giải pháp mang tính đổi mới, đột phá được áp dụng và triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả rất thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều nói riêng và công tác phòng, chống thiên tai nói chung. 

Trước hết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được Tổng cục PCTT quan tâm nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh từ rất sớm; với 2 bộ luật là Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai cùng hệ thống các văn bản dưới luật được xây dựng, rà soát, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn đã mang lại hiệu quả cao cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, lập và phê duyệt các quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của tuyến sông có đê cũng được quan tâm triển khai thực hiện, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều...

Ngoài ra, Tổng cục PCTT đã tham mưu Bộ NN&PTNT phát động phong trào thi đua "Xây dựng đê kiểu mẫu", nhiều tuyến đê kiểu mẫu, nhiều Hạt Quản lý đê điển hình đã được xây dựng thông qua việc lồng ghép vào các chương trình, dự án, đề án, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nhằm tận dụng mọi nguồn lực cho đê điều. Các tuyến đê kiểu mẫu không chỉ đảm bảo chống lũ theo thiết kế mà còn được chỉnh trang sạch đẹp tạo cảnh quan, môi trường, là những tuyến đê công viên, đồng thời góp phần to lớn cho phát triển giao thông, kết nối, giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa giữa các vùng miền.

Việc áp dụng công nghệ, thông tin, khoa học hiện đại trong công tác quản lý đê điều đã bước đầu đạt được những thành quả rất đáng khích lệ, như: Ứng dụng thiết bị bay không người lái (flycam) để thu thập dữ liệu hình ảnh, video về thiên tai lũ, lụt ở những khu vực, vị trí nguy hiểm mà con người khó hoặc không tiếp cận được; xây dựng, lắp đặt hệ thống camera theo dõi, giám sát trực quan, theo thời gian thực tại các khu vực trọng điểm đê điều, khu vực ngã ba sông, các điểm chốt mực nước giúp hỗ trợ công tác quản lý, kịp thời phát hiện các sự cố nguy hiểm, các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều để ngăn chặn, xử lý; việc số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Web-GIS về đê điều hay áp dụng công nghệ, vật liệu mới trong hộ đê, chống tràn cũng đã được triển khai thực hiện./.

(Nguồn: vov.vn)

Về chuyên mục

Về đầu trang