Tại Thanh Chương: Theo thống kê mới nhất, toàn huyện Thanh Chương ước thiệt hại gần 56 tỷ đồng trong đợt mưa lũ vừa qua. Đã có 96 nhà dân và 3 phòng học bị ngập nước, 1980m3 đất đá trên các tuyến đường giao thông bị sạt lở, 63 cống và 1 tràn bị cuốn trôi và hư hỏng, 5 trạm bơm bị ngập, 620m kênh mương bị hư hại. Hơn 1678 ha lúa hè thu sắp thu hoạch, 385 ha ngô, 212 ha sắn nguyên liệu, 368 ha đậu các loại, 62 ha rau các loại, 120 ha cá ao, hồ đập bị ngập và mất trắng…
Trước thực trạng đó, trong những ngày vừa qua các đồng chí lãnh đạo huyện Thanh Chương đã trực tiếp đi kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục hậu quả. Trước mắt, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung thu hoạch lúa hè thu và sắn ở những nơi bị ngập làm hư hỏng; Giúp đỡ các gia đình có nhà bị ngập sớm trở lại sinh hoạt bình thường; Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh thường xảy ra sau lũ. Sau khi nước rút, tập trung khôi phục sản xuất vụ đông bằng những loại giống ngắn ngày.
Bà con nông dân Trung Sơn (Đô Lương) ra đồng gặt lúa chạy lụt. Ảnh: Lương Mai
Tại Đô Lương: Đợt mưa lớn nhiều ngày qua đã làm ngập úng gần 600 ha lúa hè thu, mùa của huyện đang trong giai đoạn ngậm sữa, nhiều diện tích đến độ thu hoạch. Trong đó, trên 400 ha bị ngập nặng (tỷ lệ ngập úng trên 70%), tập trung nhiều tại các xã ven Sông Lam như Thuận Sơn, Nam Sơn, Lam Sơn. Ngoài ra, toàn huyện còn khoảng gần 500 ha lúa chín không bị ngập do mưa lũ song nằm trong nguy cơ bị ngập, nếu trong mấy ngày tới mực nước Sông Lam tiếp tục dâng lên như Hiến Sơn (100 ha), Thượng Sơn (70 ha), Đặng Sơn (trên 40 ha…
Để tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định tình hình sản xuất, huyện Đô Lương chỉ đạo các địa phương có diện tích lúa bị ngập khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa chạy lụt.