Thao giảng và Bế giảng Chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên nòng cốt 3 tỉnh Cao Bằng, Cần Thơ, Bình Thuận

0:0:0, 28/08/2011 Thao giảng và Bế giảng Chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên nòng cốt 3 tỉnh Cao Bằng, Cần Thơ, Bình Thuận trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực thể chế về Quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu - SCDM” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.

Từ ngày 20-25/8/2011, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực thể chế về Quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu - SCDM” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai đã tổ chức Khóa tập huấn về kỹ năng chuẩn bị bài giảng, Thao giảng và Bế giảng Chương trình đào tạo cho đội ngũ giảng viên cấp tỉnh cho 3 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Cần Thơ, Bình Thuận về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Tham gia buổi Thao giảng và Bế giảng có sự tham gia của lãnh đạo và đại diện của các cơ quan:

- Ông TS. Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng tránh và GNTT, Giám đốc Dự án SCDM.

- Ông Nguyễn Vũ Việt, Phó viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi

- Ông Nguyễn Hữu Phú, Phó chánh văn phòng Tổng cục Thủy lợi.

- Ông Nguyễn Thanh Đàm, Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ&PCLB, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Cao Bằng, Chánh Văn phòng Dự án tỉnh Cao Bằng.

- Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Thuận, Phó chánh văn phòng Dự án tỉnh Bình Thuận.

- Ban quản lý Dự án tại Trung ương và tại 3 tỉnh, thành phố.

- Các giảng viên, chuyên gia của Trung tâm Hợp tác quốc tế và đào tạo - CITIC (Viện Khoa học Thủy lợi), Đại Học Thủy lợi, Văn phòng Học viện công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITCV).

Trong Lễ Bế giảng, Ban Quản lý dự án đã có báo cáo quá trình triển khai các khóa đào tạo và đánh giá sơ bộ kết quả đã đạt được, trong đó thông qua hoạt động này Dự án đã xây dựng được tài liệu chính khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và hoàn thành đào tạo đội ngũ giảng viên cấp tỉnh với số lượng 52 giảng viên. Các giảng viên cấp tỉnh đã tham gia các hoạt động cũng như chương trình đào tạo từ đầu năm 2011 với các nội dung:

- Học phần 1: Kỹ năng giảng dạy (thực hiện trong quý I/2011)

- Học phần 2: Các kiến thức về phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với BĐKH” (Thực hiện trong tháng 7/2011).

- Học phần 3: Thực hành kỹ năng chuẩn bị bài giảng và thao giảng.
 



Các giảng viên hướng dẫn các học viên nội dung đào tạo

Các khóa đào tạo đã được tổ chức thành công với sự hỗ trợ của tập thể giảng viên, Ban quản lý dự án, sự cộng tác chặt chẽ giữa chuyên gia trong nước và quốc tế, với sự tham gia tích cực và hiệu quả của tất cả các học viên. Các học viên của 3 tỉnh đã hoàn thành chương trình đào tạo là các nhân tố nòng cốt trong các chương trình đào tạo tiếp theo của Dự án và Đề án của Chính phủ sau này. Trong số học viên, có những cán bộ tuổi đời còn trẻ, có những cán bộ chưa một lần đứng trình bày trước lớp nhưng đến ngày hôm nay, học viên đã tự tin để đứng lớp với những vấn đề rất mới và đầy tính kỹ thuật. Kết quả này đã được thể hiện rất rõ trong buổi Thao giảng với sự đánh giá cao của các giảng viên, ban tổ chức, khách mời và chính các học viên.

   
 
Một số hình ảnh trong buổi Thao giảng đứng lớp của các học viên

Sau các khóa đào tạo, kết quả đã đạt được:

- Số lượng học viên được đào tạo từ Học phần 1: 84 giảng viên

- Số lượng học viên được cấp chứng nhận kết thúc khóa học: 54 giảng viên

Trong đó:

52 giảng viên của 3 tỉnh, (các giảng viên đều tốt nghiệp đại học và đến từ các Sở, ban, ngành và tổ chức xã hội của tỉnh, thành phố).

01 giảng viên từ Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai t/p Đà Nẵng,

01 giảng viên từ Trung tâm PT&GNTT khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Cục Quản lý đê điều và PCLB.

Qua theo dõi, đánh giá của Dự án sau 3 học phần, các học viên đã có cách nhìn nhận mới và được trang bị kiến thức cơ bản về quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và đã áp dụng được phương pháp đào tạo có sự tham gia; đặc biệt đánh giá cao một số học viên của tỉnh đã có sự cố gắng và tiến bộ rõ rệt về kiến thức cũng như kỹ năng giảng dạy.

   
Nhóm giảng viên Cao Bằng
Nhóm giảng viên Bình Thuận
Nhóm giảng viên Cần Thơ
 
Lễ Bế giảng và trao Chứng nhận cho các học viên

Trước khi tuyên bố Bế giảng Chương trình đào tạo, Giám đốc Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai đề nghị Ban Quản lý Dự án, các giảng viên của CITC, đội ngũ giảng viên cấp tỉnh một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới:

1. Tiếp tục hoàn thiện bộ bài giảng và kế hoạch bài giảng phù hợp trên cơ sở thực tiễn thu được trong quá trình triển khai các khóa đào tạo.

2. Báo cáo tổng thể quá trình triển khai các khóa đào tạo, xây dựng mô hình đào tạo trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức các khóa đào tạo trong khuôn khổ Dự án để Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai báo cáo Tổng cục Thủy lợi xem xét áp dụng cho các khóa đào tạo cho các tỉnh, thành phố trong Kế hoạch năm 2011 và các năm tiếp theo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

3. Ban quản lý dự án Trung ương và CTIC xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể về nâng cao năng lực về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho các cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện tại 3 tỉnh thí điểm. 

4. Hỗ trợ triển khai các lớp đào tạo cho các cán bộ cấp huyện, xã trọng điểm của 3 tỉnh, thành phố. Đội ngũ giảng viên là nhóm giảng viên cấp tỉnh đã được đào tạo với sự hỗ trợ của CTIC và Trường Đại học Thủy lợi.

5. Các Văn phòng Dự án các tỉnh thí điểm:

- Xây dựng chương trình, lên kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn cho các cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện đến cuối năm 2011.

- Tháng 10/2011, Văn phòng dự án tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp huyện với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên đã được đào tạo có sự hỗ trợ của các giáo viên CTIC và Đại học Thủy lợi. Tiếp đó Văn phòng dự án tỉnh chủ động tổ chức đào tạo theo kế hoạch.

- Tham gia và phối hợp với các đơn vị chức năng trong tỉnh, thành phố thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo sự phân công.

6. Đội ngũ giảng viên cấp tỉnh của 3 tỉnh, thành phố:

- Đánh giá cao những cố gắng, quyết tâm và tinh thần học tập của các học viên trong suốt quá trình đào tạo. Việc lĩnh hội đầy đủ các kiến thức, phương pháp đào tạo phù hợp đối tượng được đào tạo (huyện, xã) cần có sự cố gắng hơn nữa từ phía các học viên. Vì vậy, các học viên sau khóa đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu, luyện tập trong công việc và cuộc sống.

- Các học viên cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác đào tạo của tỉnh mình, sẵn sàng hỗ trợ tỉnh bạn trong thực hiện Đề án của Chính phủ trong năm 2011 và các năm tiếp theo. 

Kết thúc 3 khóa đào tạo nghiêm túc và hiệu quả với khối lượng kiến thức được truyền đạt lớn, khóa đào tạo giảng viên cấp tỉnh đã đạt được những mục tiêu đề ra, các học viên đã tham gia tích cực, nhiệt tình đóng góp ý kiến xây dựng bài giảng, thảo luận sôi nổi, hoàn thành các bài tập và thực hành kỹ năng thao giảng. Các học viên đã sử dụng các phương pháp có sự tham gia trong suốt quá trình học tập cũng như thao giảng. Thành công của khóa học trước hết là nhờ sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của tất cả học viên của các tỉnh, cùng với sự tham gia đóng góp của Ban quản lý dự án các tỉnh, các giảng viên CTIC, Trường Đại học Thủy lợi, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chuyên gia về kỹ năng giảng dạy.

Về chuyên mục

Tin liên quan

Về đầu trang