Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp rãnh thấp đi qua khu vực Trung Trung bộ, từ ngày 15/10 đến ngày 18/10/2011 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to; tính từ 01 giờ sáng ngày 15/10 đến 13 giờ ngày 18/10/2011, lượng mưa phổ biến tại các địa phương từ 250 - 300mm, cá biệt có một số nơi mưa rất to như Nông Sơn: 481mm, Tiên Phước: 473mm, Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc): 365mm, Giao Thủy (huyện Duy xuyên): 368mm. Mưa lớn đã làm mực nước các sông dâng cao, dao động từ báo động I đến báo động II, riêng trên sông Vu Gia, trên báo động II là 27cm tại Ái Nghĩa
Mưa, lũ đã làm 01 người chết (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên); 04 người mất tích Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My đang tổ chức lực lượng cứu nạn, cứu hộ để tìm kiếm các nạn nhân mất tích nêu trên.
Mưa, lũ cũng đã làm sập 03 nhà dân, ngập sâu 1000 nhà dân. Hiện nay, hầu hết nhân dân sơ tán đã trở về nhà, riêng số hộ có nhà bị sập, địa phương đã bố trí chỗ ở tạm và huy động nhân dân giúp sửa chữa, khắc phục.
Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp: 43 tấn lúa bị hỏng, 2 ha ruộng bị bồi lấp và 384 ha rau màu bị úng ngập, hư hỏng
Thiệt hại về giao thông:
- Mưa lũ đã làm một số tuyến đường trong nội thành Tam Kỳ, Hội An bị ngập cục bộ; quốc lộ 14B, 14D, 14E có một số vị trí bị sạt lở taluy và mặt đường; Tuyến đường Hồ Chí Minh qua đoạn qua huyện Tây Giang, Phước Sơn bị sạt lở khoảng 2.500 m3;
- Một số đoạn tuyến giao thông bị ngập sâu như: ĐT 610, ĐT 611 đi huyện Nông Sơn, ĐT 604 đoạn “cầu Sông Vàng”, ĐT 606, ĐT 609 đi huyện Đông Giang, ĐT 614, ĐT 615 (Cầu Mỹ Cang) và ĐT 616 đi huyện Nam Trà My (ngầm sông Trường);
- Một số vị trí trên các tuyến ĐT 616 bị sạt lở phía taluy âm và dương gây ách tắc giao thông đoạn khu vực Suối Đôi, khối lượng khoảng 1.800m3; tuyến ĐT 611 và ĐT 610 bị sạt lở nhiều chỗ, trong đó đoạn đường qua Đèo Le với khối lượng hơn 300m3; tuyến đường ĐT 617 bị mưa lũ gây xói, lốc mặt đường dài khoảng 200m;
- Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, liên xã ở các huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng, như: Tại các xã vùng cao thuộc huyện Nam Trà My (Trà Cang, Trà Tập, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Nam, Trà Linh, Trà Don, Trà Leng...); tại các xã Tiên Thọ, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 20km; tại các xã Phước Thành, Phước Đức, Phước Kim thuộc huyện Phước Sơn, tuyến đường Lăng -Tr’hy, Aching - Anoong, Axan - Gari, Axan - Chơm, Tr’hy - Axan... thuộc huyện Tây Giang bị sạt lở nhiều vị trí, tổng khối lượng đất đá bị sạt lở các tuyến đường này khoảng 50.000m3;
- Mưa lũ đã làm trôi 02 cầu treo tại huyện Nam Trà My, 09 cầu gỗ của huyện Núi Thành (xã Tam Mỹ Tây 05 cái, xã Tam Thạnh 04 cái) và 02 cầu tạm tại huyện Phước Sơn; hư hỏng một cống tràn tại huyện Hiệp Đức;
- Ngoài ra, tuyến đường Nam Quảng Nam đi qua địa phận huyện Nam Trà My bị sạt lở nghiêm trọng với khối lượng khoảng 40.000m3, gây ách tắc giao thông, cần nhiều thời gian và kinh phí mới khắc phục được.
Về thủy lợi, công trình nước sạch
- Kênh tưới bằng bê tông của hồ Phước Bình (huyện Hiệp Đức) bị lũ cuốn trôi hoàn toàn với chiều dài khoảng 10m, hư hỏng 30m;
- Tại huyện Núi Thành cống trên đê bị hỏng 08 cái, kênh mương sạt lở 2.000m3, đê ngăn mặn bị sạt lở ở nhiều vị trí, trên 1.000m3;
- Hư hỏng 01 cống tràn tại Tân An, huyện Hiệp Đức;
- 32 đập thời vụ của các huyện miền núi bị cuốn trôi;
- Lũ cuốn trôi 04 công trình thủy lợi kiên cố tại Nam Trà My (Thủy lợi Nước Bi, Nước Choang, Nước Reng, Suối Cáp) và 15 đập bổi, hàng ngàn mét ống nhựa dẫn nước cũng bị cuốn trôi;
- Lũ làm cuốn trôi 02 công trình nước sinh hoạt tại xã Phước Gia và Phước Trà, huyện Hiệp Đức và nhiều công trình nước sinh hoạt tại huyện Nam Trà My cũng bị hư hỏng nặng.
Về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và sạt lở núi
- Tại Hội An, đoạn bờ biển gần cửa Đại, dọc đường Âu Cơ bị sóng biển gây sạt lở, xâm thực vào bờ hàng chục mét với chiều dài khoảng 530m và có xu thế tiếp tục lấn sâu vào đất liền. UBND thành phố Hội An đã huy động hàng trăm người thuộc lực lượng tìm kiếm cứu nạn của thành phố, sử dụng hàng nghìn bao tải cát và tấm cầu kiện bê tông đúc sẵn để xử lý tạm. Tuy nhiên, trong thời gian đến nếu xuất hiện ATNĐ hoặc bão, tình hình sạt lở sẽ trở nên nghiêm trọng và có khả năng lấn sâu vào bờ, cắt đứt giao thông tuyến đường Âu Cơ;
- Trên sông Quảng Huế thuộc địa phận xã Đại An, huyện Đại Lộc, mưa lũ đã làm sạt lở sâu vào bờ sông khoảng 10m, dài khoảng 01km de dọa khoảng 70 hộ dân đang sinh sống tại địa phương. Trong thời gian đến, nếu xuất hiện lũ, tình hình sạt lở sẽ nghiêm trọng và có nguy cơ uy hiếp khoảng 205 hộ dân với khoảng 850 khẩu tại địa phương;
- Tại huyện miền núi Đông Giang mưa lũ đã gây sạt lở núi khu vực thôn Bờ Hồng I, xã sông Kôn, sát tuyến đường ĐT 604, đe dọa trực tiếp 04 hộ dân đang sinh sống trong khu vực, trong đó có 01 hộ phải di dời khẩn cấp, 03 hộ còn lại địa phương có kế hoạch di dời khi xét thấy diễn biến sạt lở phức tạp;
- Tại huyện Nam Trà My, mưa to đã gây sạt lở đất do tuyến đường đi từ xã Trà Nam đến Trà Linh đang thi công, gây ảnh hưởng trực tiếp 11 hộ dân với 56 khẩu tại nóc Tắc Pong, thôn 1, xã Trà Linh. Địa phương đã kịp thời di dời khẩn cấp số hộ dân trên đến nơi an toàn, không xảy ra thiệt hại về người.
Các thiệt hại khác
- Mưa lũ gây ngã đổ 50 trụ điện thắp sáng tại xã Quế Phong, huyện Quế Sơn; 03 trụ điện tại huyện Hiệp Đức;
- Giông sét làm cháy hoàn toàn hệ thống điện của 02 nhà tại Tiên Thọ, huyện Tiên Phước;
- Tuyến đường điện sinh hoạt từ xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn qua xã Quế Lộc bị hư hỏng, gây mất điện trong nhiều giờ liền;