|
Phó Tổng Thư ký WMO công bố bản báo cáo mới nhất về khí hậu toàn cầu (Ảnh: Reuters) |
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, 13 năm nóng nhất trên thế giới từ trước đến nay đã được ghi nhận kể từ thời điểm 1997, năm bắt đầu kết luận Nghị định thư Kyoto.
Tình trạng nhiệt độ tăng cao từ đó đã khiến các điều kiện thời tiết trở nên khắc nghiệt, làm gia tăng các đợt hạn hán và khô cằn trên khắp thế giới.
Phát biểu với giới báo chí tại Durban, Phó Tổng Thư ký WMO, ông Jerry Lengoasa tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi có chuyên môn chắc chắn và các bằng chứng đều cho thấy trái đất đang nóng lên và hiện tượng này bắt nguồn từ các hoạt động của con người”.
Năm nay, khí hậu trên trái đất đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ hiện tượng La Nina – thường kết hợp với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như tại Nam Mỹ và châu Phi.
La Nina xuất hiện bất ngờ trong khu vực nhiệt đới của Thái Bình Dương vào nửa cuối năm 2010. Hiện tượng này là một trong những điểm đáng lưu ý nhất kể từ 60 năm trở lại đây, gắn liền với các đợt hạn hán nghiêm trọng tại Đông Phi, Mỹ và trong các khu vực trung tâm của Thái Bình Dương cũng như các đợt lũ lụt nghiêm trọng trong các khu vực khác trên thế giới.
“Nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đã lên tới kỷ lục mới”, Tổng Thư ký WMO, ông Michel Jarraud cho biết. “Tình trạng này khiến nhiệt độ trung bình của trái đất sẽ nhanh chóng tăng thêm từ 2 – 2,4°C. Sự gia tăng này, theo các nhà khoa học, sẽ làm thay đổi các hiệu ứng chủ đạo trên trái đất của chúng ta, trong sinh quyển và trong các đại dương”, ông Michel Jarraud cảnh báo.
Nga là quốc gia ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ nhất so với mức trung bình. Từ tháng 1 tới tháng 10 vừa qua, các khu vực phía Bắc của đất nước này đã ghi nhận mức nhiệt cao hơn 4°C so với mức trung bình.
|
Nhiệt độ tăng cao làm gia tăng số lượng và cường độ các thảm họa tự nhiên (Ảnh minh họa) |
Các nhà khoa học của WMO cũng đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng nhiệt độ tăng thêm là chắc chắn xảy ra trên thế giới và hiện tượng nóng lên của khí hậu sẽ làm gia tăng lũ lụt, khiến bão lốc tàn khốc hơn, lở đất mạnh hơn và hạn hán khắc nghiệt hơn.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mới đây cũng đánh giá rằng mức nhiệt độ trung bình trên trái đất sẽ có thể tăng từ 3 - 6°C trong giai đoạn từ nay đến hết thế kỷ XXI nếu các nước không ngừng phát thải khí độc hại gây hiệu ứng nhà kính.
Cũng theo OECD, các sông băng sẽ tan chảy và mực nước biển dâng cao sẽ có thể làm biến mất nhiều quốc đảo nhỏ./.