TP. Hồ Chí Minh với nỗi lo ngập nước

22:0:0, 22/04/2012 Ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù năm 2011, Thành phố đã xóa được 39/70 điểm ngập trên địa bàn song việc khống chế tình trạng tái ngập, phát sinh điểm ngập mới vẫn còn chưa bền vững.
TP. Hồ Chí Minh đang phải đối phó với tình trạng ngập nước khá nghiêm trọng. Vấn đề này đã ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân. Trong năm 2011, Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp vừa cấp bách, vừa có tính lâu dài để cải thiện tình trạng ngập úng trên địa bàn, tuy nhiên tình trạng tái ngập, phát sinh điểm ngập mới vẫn tiếp tục diễn ra. Đứng trước mùa mưa 2012, vấn đề chống ngập lại “nóng” lên, đòi hỏi Thành phố phải có giải pháp hữu hiệu hơn nữa để khắc phục tình trạng này cũng như có những giải pháp lâu dài, giải pháp mang tính chất bền vững.
                                                                                                                                                                                                                                                                                              
 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                   
 
 Tình trạng ngập nước ở TP.Hồ Chí Minh gây cản trở giao thông ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh: Báo Hanoimoi
 

Tích cực chống ngập nước

Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.Hồ Chí Minh, trong năm qua, Thành phố đã thực hiện việc rà soát công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch liên quan đến thoát nước, chống ngập úng để xem xét bổ sung quy hoạch nhằm tăng khả năng điều tiết nước trên địa bàn. Thành phố cũng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án liên quan đến thoát nước để sớm đưa vào hoạt động; xây dựng đề án quản lý việc san lấp và xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch, đầm, hồ… đảm bảo phục vụ tiêu thoát nước và chống ngập. Cụ thể, đã đưa vào vận hành 100 tuyến cống với chiều dài 202 km; nạo vét, khơi thông dòng chảy cho 92 tuyến kênh, rạch và các cửa xả với tổng chiều dài trên 15 km; lắp đặt 615 van ngăn triều, xây nhiều tuyến đê tạm; huy động các trạm bơm cố định và di động để xử lý cấp bách các điểm ngập nặng, điểm ngập phát sinh khi mưa to hoặc khi có mưa kết hợp triều cường.

Nhờ sự nỗ lực của Thành phố mà trong năm qua, đã có 39 điểm ngập do mưa được xóa trong tổng số 70 điểm trên địa bàn (giảm 67,7% so với năm 2009). Trong đó, khu vực trung tâm (mục tiêu quan trọng của chương trình) đã giảm 14 điểm trong tổng số 31 điểm ngập.

Cũng trong năm 2011 chỉ xảy ra 284 lần ngập (giảm 67% so với năm 2009). Thời gian ngập trung bình giảm còn 59 phút so với 125 phút của năm 2009.

Mục tiêu trong năm 2012, TP. Hồ Chí Minh sẽ xóa thêm 10 điểm ngập như ở đường Ung Văn Khiêm, Vũ Tùng (quận Bình Thạnh), Phan Anh (quận Tân Phú), An Dương Vương, Hậu Giang (quận 6), Lẵng Binh Thăng (quận 11), Quang Trung (quận Gò Vấp), quốc lộ 1A (quận 12), Gò Dưa (quận Thủ Đức) và đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9).

Cần những giải pháp đồng bộ

Hiện nay, UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình chống ngập nước. Tuy nhiên, theo PGS. TS Hồ Long Phi - Phó trưởng Ban Điều phối chương trình chống ngập TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh các công trình chống ngập, Thành phố cần phải có các giải pháp thích nghi và giảm nhẹ thiệt hại để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Kết luận này được ông Phi đưa ra sau thời gian nghiên cứu ngập lụt ở Bangkok (Thái Lan) về những điểm tương đồng cũng như so sánh hệ thống chống ngập giữa hai Thành phố (Bangkok và TP. Hồ Chí Minh).

Theo ông Phi, có bốn giải pháp mà Thành phố cần phải quan tâm, đó là: cần soạn thảo và ban hành quy chế về không gian dành cho nước; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và quy trình ứng phó; thiết lập quy trình vận hành hồ chứa nước đa mục tiêu; ưu tiên đầu tư cho công trình thoát nước nội thành.

Thực tế tại Thành phố, các dự án thủy lợi, giao thông, dân cư và công nghiệp trong thời gian qua đã chiếm quá nhiều không gian của nước. Đặc biệt đối với các vùng đất trũng, Thành phố cần phải có quy hoạch liên quan tới thoát nước, chống ngập úng; phải xem xét, đánh giá đầy đủ các yếu tố chảy tràn, quy hoạch cốt nền phù hợp, kết nối đồng bộ với khu vực chứ không phải chỉ tập trung cho phát triển khu dân cư hay khu công nghiệp mới.

Ông Phi cũng khẳng định, khả năng 20 năm nữa TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu trận lụt như Bangkok vừa qua nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời. Ông Phi cho rằng, Thành phố nên phát triển theo hình thức ECO2 (vừa phát triển kinh tế vừa phát triển sinh thái). Đồng thời, thay vì lấn chiếm không gian dành cho nước ở các vùng trũng thấp, một hành lang thoát lũ khẩn cấp cần được dự trù để đề phòng trường hợp các dòng sông không còn đủ năng lực thoát nước trong điều kiện mưa lũ đặc biệt lớn. Hơn nữa, các hồ chứa nước thường được thiết kế và vận hành thiên về cấp nước tưới hay phát điện mà thiếu quan tâm đến điều tiết lũ. "Vì thế, TP. Hồ Chí Minh cần phải thiết lập quy trình vận hành hồ chứa đa mục tiêu để tăng cường khả năng điều tiết lũ", ông Phi nhấn mạnh.

Về chuyên mục

Về đầu trang