Chỉ tính riêng vụ lúa đông xuân 2010- 2011 và vụ lúa hè thu 2011, Trà Vinh có gần 12.500 ha bị khô hạn, nước mặn xâm nhập gây thiệt hại từ 30%-100% diện tích; trong đó có 9.726 ha bị mất trắng. Riêng đợt triều cường vừa qua từ ngày 26-31/10/2011, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có hơn 5.000 mét đê bao bị vỡ, gây ngập từ 0,5-1 mét khoảng 1.000 căn nhà, hơn 2.000 ha vườn cây ăn trái và nhiều diện tích ao nuôi thủy sản. Riêng tỉnh lộ 915 dài gần 8 km nằm trên địa bàn xã Ninh Thới (huyện Cầu Kè) bị nước tràn qua, làm khoảng 250 ha nuôi tôm, cá trong mương vườn của hai huyện Cầu Kè và Càng Long bị thiệt hại từ 80%-100%. Tại Cồn Hô, xã Đức Mỹ (huyện Càng Long), 100% diện tích đất và nhà ở của 28 hộ dân sinh sống bị nước lũ nhấn chìm khoảng 1 mét; tại khu vực Kinh Xáng, xã Long Toàn (huyện Duyên Hải) đang bị sạt lở nghiêm trọng, buộc phải di dời khẩn cấp 19 hộ dân vào nơi an toàn; gần 1.000 cây phi lao phòng hộ ven biển tại ấp Rạch Cạn, xã Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải) bị ngã đổ, nước cuốn trôi…
Nhằm chủ động đối phó, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan tiến hành rà soát quy hoạch để bố trí lại cơ cấu mùa vụ, cây trồng cho phù hợp với điều kiện khí hậu có nhiều biến đổi, gây bất lợi trong sản xuất. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với các nhà khoa học ở các Viện nghiên cứu và các trường đại học, triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới để thích ứng bới BĐKH như: trồng màu tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, sản xuất lúa theo chương trình “1 phải, 5 giảm”, t rồng lúa theo hệ thống thâm canh cải tiến (SRI)…Riêng v ụ lúa đông xuân 2010- 2011 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Trà Vinh tổ chức thực hiện thí điểm mô hình gieo mạ sân, cấy lúa một tép trên diện tích 25,5 ha ở 3 vùng đất khác nhau tại xã: Phú Cần, Tân Hùng và thị trấn Tiểu Cần để tìm ra bộ lúa giống mới, có khả năng chịu mặn để thích ứng với biến đổi khí hậu….
Theo ông Trần Trung Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nhằm hạn chế rủi ro trong điều kiện thời tiết, khí hậu có nhiều biến đổi, ngành nông nghiệp sẽ chỉ đạo và tăng cường việc vận hành các cống đầu mối chặt chẽ hơn; quản lý cơ cấu mùa vụ, cây trồng một cách khoa học gắn với điều kiện thực tế về tự nhiên của từng địa phương. Trước mắt, vụ lúa đông xuân 2011- 2012 sẽ bố trí xuống giống dứt điểm vào cuối tháng 2 dương lịch, chuyển số diện tích đất trồng lúa hiện gặp khó khăn về nguồn nước tưới, sang trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày có nhu cầu nước tưới ít hơn theo hình thức chuyên canh hoặc luân canh. Huy động mọi nguồn lực, tập trung nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng; đồng thời lập dự án thuê tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá lại thực trạng hệ thống cống - thủy lợi nhằm đáp ứng nhiệm vụ phục vụ đa mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp… Khi hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét kênh Mai Phốp-Ngã Hậu trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh (tổng vốn trên 436 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư), Trà Vinh sẽ có nhiều tuyến kênh cấp II của dự án ngọt hóa Nam Mang Thít kết nối với nhau, từ đó nâng cao khả năng tiếp ngọt trong mùa khô khi độ mặn tăng cao ở cống đập Láng Thé, cống đập Cái Hóp. Theo đó, sẽ cấp nước tưới bổ sung cho khoảng 30.000 ha diện tích đất trồng lúa ở các huyện Càng Long, Châu Thành và Cầu Ngang (Trà Vinh); tăng cường khả năng tiêu úng, rửa phèn cho khoảng 160.680 ha đất tự nhiên của tỉnh Trà Vinh và 7.300 ha của tỉnh Vĩnh Long; mở rộng mạng lưới giao thông thủy, bộ, góp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và cải thiện môi trường ở vùng hưởng lợi.
Trà Vinh còn chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan vùng ven biển, ngay từ bây giờ cần sớm có chủ trương, chính sách cụ thể để thích ứng và tìm ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu như: Đẩy mạnh tuyên truyền trong việc phục hồi lại diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; đầu tư xây dựng hệ thống đê biển chống triều cường; khai thác và bảo vệ hợp lý nguồn tài nguyên thủy sản; phân bố lại vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… từng bước thích ứng với sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, nhất là đối phó với thiên tai bão lụt, nước biển dâng trong thời gian tới.